Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 04-12-2023 | 08:05:50

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam liên tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tín dụng người dân, doanh nghiệp (DN) vượt khó. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn những trở ngại, hội nghị kết nối ngân hàng - DN vừa được NHNN Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương phối hợp với UBND TP.Dĩ An tổ chức chính là nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn vốn tín dụng.

 

Các tổ chức tín dụng sẽ tăng cường tuyên truyền cc giải php thúc đẩy DN phát triển. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Agribank - Chi nhánh Khu công nghiệp Sóng Thần

 Hỗ trợ DN tiếp cận vốn

Một vấn đề “nóng” được nhiều DN nêu lên đó là lãi vay chưa giảm như kỳ vọng. Bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương nêu thực tế: “Sức khỏe tài chính DN đang rất yếu, trong khi đang gồng gánh các chi phí đầu vào thì lãi suất vay ngoại tệ lại tăng từ 2,2 - 3,5%/năm lên 4 - 5,5%/ năm. Lãi vay ngoại tệ như vậy tạo thêm áp lực cho DN sản xuất xuất khẩu”.

Bà Trang cũng cho hay có trường hợp DN đã được cấp hạn mức cho vay nhưng đến thời điểm giải ngân, ngân hàng thông báo không còn room tín dụng, phải chờ NHNN cấp thêm hạn mức. Đây là vấn đề mà các DN thường gặp vào dịp cuối năm. Ngoài ra, các DN đang rất khát vốn nhưng hầu như chưa được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2%. “Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận và vay vốn, các ngân hàng cần thông tin nhiều hơn về các gói tín dụng, giảm bớt lãi vay ngoại tệ, giải ngân nhanh hơn gói HTLS 2% nhằm tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ cho DN xuất khẩu trong thời điểm này”, bà Trang kiến nghị.

Ông Bùi Như Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, chia sẻ các ngân hàng đã chủ động giảm lãi vay, giãn thời gian tính lãi cho vay là động thái rất tốt. Tuy nhiên, chính sách HTLS 2% kèm theo các quy định chưa phù hợp, đặc biệt là khâu hậu kiểm, khiến DN ngán ngại. Ngoài ra, việc định giá tài sản thế chấp, giá trị DN thấp càng khiến DN sản xuất, xuất khẩu khó khăn hơn. NHNN, Bộ Tài chính cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, kéo dài gói HTLS 2%, giải quyết kịp thời những vướng mắc để DN thuận lợi vay vốn.

Về vay vốn mua nhà ở xã hội, ông Phan Cao Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Bình Dương, kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu xem xét giảm bớt các thủ tục pháp lý, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận được chính sách. “Thủ tục pháp lý đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận, ngân hàng đừng yêu cầu bổ sung. Mặt khác, NHNN cần tăng cường đối thoại với các DN BĐS, đây là cơ hội giúp DN đủ thông tin hơn để lựa chọn ngân hàng có lãi vay và điều kiện phù hợp để vay vốn”, ông Phúc đề xuất.

Tiếp tục tạo thuận lợi

Phản hồi ý kiến từ các DN, ông Lê Hải Long, Phó Giám đốc Vietinbank - Chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương nhìn nhận, lãi vay đô la Mỹ tăng là tình trạng chung trên thị trường quốc tế. Vì vậy, lãi vay đô la Mỹ ngắn hạn dao động 3 - 4%/năm là nỗ lực rất lớn để chia sẻ khó khăn với DN. Tuy vậy, ngân hàng sẽ xem xét, tiếp tục điều chỉnh giảm lãi vay đô la Mỹ hợp lý, đồng thời tiết giảm tối đa chi phí để có dư địa cho vay đô la Mỹ, VND giá rẻ trong giai đoạn cuối năm.

Giải đáp những quy định thủ tục trong vay vốn BĐS khiến người vay gặp khó tiếp cận vốn, ông Nguyễn Tuân, Giám đốc BIDV Nam Bình Dương, chia sẻ thời gian qua ngân hàng triển khai nhiều đợt giảm lãi suất vay, gói vay ưu đãi để hỗ trợ DN. Tuy vậy, các DN khó tiếp cận được gói HTLS do các thủ tục pháp lý đều vướng ở cơ quan quản lý nhà nước. Ngân hàng cũng là DN nên phải tuân thủ các quy định của pháp luật. “Chúng tôi rất đồng cảm và chia sẻ với các DN BĐS, bởi ngân hàng và DN đang cùng nhau trên một con thuyền, DN khó khăn thì ngân hàng cũng bị ảnh hưởng”, ông Tuân giải bày.

Cũng theo ông Tuân, ngân hàng đã hỗ trợ các DN rất nhiều thông qua các kênh pháp lý như chủ động làm việc với UBND các địa phương, sở, ngành để kết nối DN; tham gia góp ý, đề xuất từ cấp phép, hỗ trợ bồi thường, thu hồi đất cho đến các thủ tục pháp lý về phòng cháy chữa cháy, môi trường… để có thể rút ngắn trình tự thủ tục hồ sơ, nhưng có những việc ngân hàng cũng không thể làm thay cho DN.

Liên quan đến các vướng mắc chung của DN về định giá tài sản bảo đảm, giá trị DN chưa hợp lý, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương, chia sẻ mỗi ngân hàng có chính sách định giá tài sản khác nhau. Việc định giá đất tùy theo giá Nhà nước hoặc giá thị trường. Về tài sản trên đất như máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu thuộc thẩm quyền thẩm định của tổ chức tín dụng... Các vướng mắc đến lĩnh vực BĐS liên quan đến quy định của luật pháp, NHNN ghi nhận và sẽ có kiến nghị để có quy định phù hợp.

Nhấn mạnh tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, DN, ông Phước khẳng định ngành ngân hàng luôn sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

 NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực thi chính sách và giải ngân các gói tín dụng ưu đãi, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, HTLS 2%, nhà ở xã hội… để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN. Với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm sát sao của địa phương sẽ giúp người dân, DN trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên