Chiều 22-10, UBND tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) nhằm tìm giải pháp hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bình Dương, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam chủ trì điểm cầu tại Hà Nội.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục hỗ trợ DN sau đại dịch. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV - Chi nhánh Bình Dương
Hỗ trợ thiết thực
Với vai trò là điểm tựa của nền kinh tế, trong 9 tháng năm 2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng năng lực tài chính của mình theo các gói hỗ trợ rất thiết thực. Các TCTD trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 4.760 khách hàng với tổng giá trị nợ 10.068 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 10.241 khách hàng với số tiền lãi đã được miễn giảm 5,8 tỷ đồng. Tổng số dư nợ của khách hàng không bị chuyển sang nhóm nợ xấu lãi và giữ nguyên nhóm nợ tại cuối kỳ báo cáo 15.620 tỷđồng với 1.537 khách hàng.
Toàn tỉnh có 93.911 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm khoảng 38,9% trên tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống. Cho vay mới để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay đạt 223.065 tỷ đồng 13.307 khách hàng. Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tăng 23% so đầu năm, trong đó mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,5%/ năm. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện giải ngân 2,7 tỷ đồng với 17 khách hàng là người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ khó khăn do các TCTD đồng thuận thực hiện với tổng dư nợ hiện hữu đã được áp dụng lãi suất giảm so với thỏa thuận hợp đồng tín dụng là 130.191 tỷ đồng với 69.281 khách hàng.
Ngoài ra, các chi nhánh TCTD trên địa bàn đã cho vay với lãi suất ưu đãi ngay thấp hơn thông thường từ 0,5 - 2,5%/ năm trong đợt dịch bệnh thứ 4, với doanh số cho vay 1.623 tỷ đồng, 106 khách hàng.
Mối quan hệ cộng sinh
Tại hội nghị, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh, cho rằng các DN đang nhận được sự hỗ trợ từ các TCTD. Tuy vậy, các DN cần ngành ngân hàng thực hiện thêm một số chính sách như gia hạn nợ gốc, thời hạn trả lãi, giảm lãi suất vay, cấp bù lãi suất... Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ cho vay trả lương cho người lao động, giữ nguyên tài sản bảo đảm, không thế chấp đối với DN vận tải, mở rộng quyền thế chấp tài sản...
Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, cho rằng: “Ngoài các gói hỗ trợ tiếp tục và giảm lãi suất cho vay, NHNN cần nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay DN với quy mô tương đối lớn, khoảng 2 tỷ đô la (chiếm tỷ lệ khoảng 0,5% GDP). Với nguồn vốn tín dụng này mới có thể đủ lực hỗ trợ tài chính giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch”. Cũng theo ông Thanh, kết nối giữa ngân hàng - DN là việc sống còn đối với nền kinh tế vì vốn của nền kinh tế dựa vào vay ngân hàng, sức sống của ngân hàng là dựa vào cho vay, trong đó chủ yếu là DN. Do đó, ngân hàng và DN là mối quan hệ cộng sinh, là quyền lợi của cả đôi bên.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Minh Tú cho rằng hiện nay các DN vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, khả năng chống chịu ngày càng suy giảm khi dịch bệnh kéo dài. Vì vậy, năm 2021 vẫn cần những hỗ trợ tích cực và trách nhiệm hơn từ phía các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất. Ông Tú nhấn mạnh, mọi hoạt động của ngành ngân hàng phải hài hòa giữa 2 mục tiêu hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng và cho từng TCTD, không chỉ trong ngắn hạn. Các kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của DN tại hội nghị, các ngân hàng thương mại cần giải quyết thỏa đáng để DN và ngân hàng kết nối lâu dài, cùng phát triển.
►Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Các ngành chức năng của tỉnh cần ghi nhận kiến nghị, khẩn trương triển khai công tác tháo gỡ khó khăn cho DN theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. NHNN - Chi nhánh Bình Dương và hệ thống ngân hàng cần bảo đảm nguồn vốn phục vụ quá trình phát triển kinh tế, tiếp tục đổi mới thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn. Tập trung triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ cho DN liên quan đến cơ cấu nợ vay, chính sách lãi suất… ►Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam: Bình Dương là một trong những địa phương có nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ phát triển thuộc tốp đầu của cả nước với tổng vốn huy động trong 9 tháng của năm 2021 hơn 261.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 245.000 tỷ đồng. Với cơ sở này, NHNN Việt Nam cũng như hệ thống ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ nền kinh tế địa phương, trong đó có hệ thống DN nhằm phát triển ổn định. Đặc biệt, trong quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, NHNN Việt Nam sẽ nghiên cứu và triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ địa phương cũng như hệ thống DN phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh, tiếp tục phát triển. ►Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Bình Dương: Tất cả những khó khăn gánh nặng của khách hàng, của DN ngân hàng điều biết và mong muốn đồng hành chia sẻ. Tới đây, trong quá trình thực hiện giao dịch tùy theo từng trường hợp, ngân hàng cùng với DN, khách hàng cá nhân sẽ bàn bạc thực hiện một cách thuận lợi, thỏa đáng nhất trong điều kiện pháp luật cho phép. |
THANH HỒNG