Gần đây, nắm bắt được tâm lý người dân ngày càng quan tâm đến kênh đầu tư chứng khoán, một số đối tượng đã lập và sử dụng các ứng dụng lừa đảo trên không gian mạng với mục đích chiếm đoạt tài sản. Do không tìm hiểu thông tin nên một số người bị “sập bẫy” lừa đảo, mất hàng trăm triệu đồng.
Khi muốn đầu tư chứng khoán, hãy tìm đến những sàn đầu tư uy tín, để tránh lừa đảo. Trong ảnh: Một nhà đầu tư chứng khoán đang xem giá trị giao dịch cổ phiếu trên thị trường
Coi chừng bị lừa
Để tạo lòng tin đối với nhà đầu tư, các đối tượng tạo trang website có tên tiếng nước ngoài được thiết kế rất giống với các trang chính thống của các công ty tài chính uy tín. Tuy nhiên, điểm khác biệt là các đối tượng có thể điều chỉnh được kết quả tăng giảm giá cổ phiếu, tỷ giá đô la theo ý chúng. Đối tượng đưa ra cam kết lợi nhuận “khủng”, đòn bẩy cao gấp nhiều lần, thậm chí là được mua cổ phiếu ưu đãi giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường.
Tiếp đó, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin sai sự thật nhằm quảng cáo, lôi kéo nạn nhân tham gia đầu tư chứng khoán quốc tế qua các trang web trên hoặc thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Ban đầu, đối tượng dẫn dụ các nạn nhân vào nhóm kín và đưa các thông tin để hướng dẫn nạn nhân nâng vốn, chốt các mã lời cao. Trong hội nhóm sẽ có hàng loạt “chân gỗ” liên tục tung hô một cá nhân là “thầy” trong việc đầu tư và khoe lãi khi đầu tư theo “thầy”... Qua đó, các đối tượng sẽ dụ dỗ nhà đầu tư “non trẻ” đưa tiền cho chúng đầu tư. Ngoài ra, nhiều đối tượng khác mời vào các nhóm chat để khuyến nghị đầu tư, đọc lệnh nhưng thực tế là “đội lái” nhằm thu phí, bán khóa học...
Khi tài khoản của nạn nhân bị “cháy” do thua lỗ, thì các đối tượng hướng dẫn cách để khôi phục tài khoản lấy lại số tiền ban đầu nhưng phải nạp thêm tiền vào. Cứ như vậy cho đến khi nạn nhân không còn khả năng nạp tiền thì các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền của nạn nhân.
Với thủ đoạn này mà anh Doãn Minh T. (SN 1993, quê Thanh Hóa, tạm trú tại phường Bình Hòa, TP.Thuận An) đã bị lừa gần 500 triệu đồng. Cụ thể, vào khoảng tháng 5-2023, anh T. được giới thiệu tham gia nhóm Zalo để đầu tư chứng khoán sinh lời cao. Qua hướng dẫn của người có tài khoản tên Cẩm Hân trên nhóm, anh T. đã tải ứng dụng LP PRO về điện thoại của mình và chuyển 30 triệu đồng vào số tài khoản của Công ty TNHH Quản lý đầu tư LB (gọi tắt là Công ty LB) để đăng ký mua cổ phiếu SMA. Qua đó, anh T. thấy mã cổ phiếu này tăng lãi được 1,8 triệu đồng.
Đến ngày 8-8, anh T. tiếp tục chuyển thêm 80 triệu đồng vào số tài khoản của Công ty LB để mua cổ phiếu PNC, nhận được lãi khoảng hơn 9 triệu đồng. Thấy dễ “thắng”, anh T. xuống tay 200 triệu đồng đầu tư vào cổ phiếu này, lúc này lợi nhuận được 24 triệu đồng. Sau đó, anh T. muốn rút 200 triệu đồng nhưng không được, đồng thời nhận được thông báo lỗi từ hệ thống. Đến ngày 11-8, anh T. nhận được yêu cầu chuyển 93 triệu đồng để đóng phạt vào hệ thống do anh thực hiện sai lệnh rút tiền. Sau đó, anh T. đã chuyển số tiền 93 triệu đồng vào số tài khoản của Công ty LB. Đến chiều ngày 14-8, bộ phận chăm sóc khách hàng báo anh T. chuyển sai nội dung và yêu cầu anh phải chuyển tiếp 93 triệu đồng ghi đúng nội dung chuyển tiền thì mới được rút tiền ra. Sau khi thực hiện theo yêu cầu trên, anh T. vẫn không rút được tiền, nghi ngờ bị lừa đảo nên anh đã đến cơ quan công an trình báo. Hiện Công an TP.Thuận An đang tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc. Được biết tổng số tiền anh Trí đã chuyển đến các tài khoản ngân hàng do Công ty LB đứng tên là 496 triệu đồng.
Người chơi cần tỉnh táo
Mới đây, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra 3 nhóm lừa đảo chính với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Theo khuyến cáo, trong lĩnh vực tài chính chứng khoán, nhà đầu tư cần lưu ý nhận diện và phòng ngừa lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính. Theo đó, sàn đầu tư lừa đảo thường hứa lợi nhuận quá cao so với thị trường thực tế. Những sàn đầu tư này không cung cấp đầy đủ thông tin về công ty, giấy phép hoạt động, lịch sử giao dịch và nhân sự quản lý.
Khi lôi kéo được nhà đầu tư, chúng yêu cầu người tham gia chuyển khoản tiền trước khi bắt đầu giao dịch, thường là dưới hình thức phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ.
Để tránh trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn chứng khoán “ảo” lãi suất cao trên mạng. Nếu đã quyết định đầu tư, người dân cần kiểm tra xem công ty đó có phải là một tổ chức chứng khoán đáng tin cậy và được cấp phép bởi cơ quan quản lý chứng khoán quốc tế hay không để tránh bị mất tiền oan. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần đến cơ quan công an nơi gần nhất trình báo sự việc, để được hỗ trợ, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Tháng 6-2023, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Cẩm nang nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến. Cẩm nang này đã đưa ra một số biện pháp phòng tránh lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo. Theo đó, khuyến cáo nhà đầu tư hãy cẩn trọng khi người khác đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư mà nhà đầu tư không biết gì về nó. Nếu có nghi ngờ, nhà đầu tư hãy tìm kiếm sự tư vấn từ chuyên gia tài chính hoặc luật sư để bảo đảm rằng nhà mình đưa ra quyết định thông minh và an toàn. |
NGUYỄN HẬU