Khắc phục khó khăn, doanh nghiệp tiếp tục phát triển

Cập nhật: 18-02-2022 | 08:19:29

 Đến thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương đang hồi phục mạnh mẽ, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, khắc phục các khó khăn để vươn lên.

 Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long chủ động cải tiến nguyên liệu, hóa giải khó khăn, giữ vững xuất khẩu

 Thích ứng, khôi phục sản xuất

Trong tháng 1-2022, các DN tập trung hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu còn tồn động, kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao, ước đạt hơn 3,35 tỷ đô la Mỹ, tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Cùng với xuất hàng hóa, các DN cũng tăng cường nhập khẩu nguồn nguyên liệu. Trong tháng 1, kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 2,37 tỷ đô la Mỹ, tăng 2% so với tháng trước, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Trong đó, các ngành xuất khẩu chủ lực vươn lên mạnh mẽ để nắm bắt cơ hội như gỗ, dệt may, giày da, gốm sứ... Hiện nay, các DN nỗ lực khôi phục sản xuất, thực hiện kế hoạch năm 2022.

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, với sự thích ứng linh hoạt trong phòng, chống dịch bệnh, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ, số lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao, trên 90% tại các DN đang hoạt động. Số lao động chưa trở lại làm việc phần lớn nằm trong kế hoạch chuẩn bị hoạt động sản xuất của DN. Một số DN có nhu cầu tuyển dụng số lượng từ 1.000 lao động đầu năm 2022, như: Công ty TNHH Chí Hùng (TX. Tân Uyên), Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TP. Thuận An), Công ty TNHH Pung Kook Sài Gòn II (Khu công nghiệp Sóng Thần 1), Công ty TNHH Sao Việt, Công ty TNHH Lucky Star Việt Nam (Khu công nghiệp Sóng Thần 2) Công ty Cổ phần Giày Thái Bình, Công ty TNHH Yazaki…

Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để sát cánh cùng DN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, tổ chức các phiên giao dịch việc làm và đẩy mạnh hoạt động tư vấn - giới thiệu việc làm. Đặc biệt, thực hiện việc liên kết tuyển dụng lao động với các tỉnh có nguồn dồi dào để đưa về Bình Dương làm việc theo kế hoạch. Ngoài ra, hướng dẫn, giám sát các DN tiếp tục thực hiện tốt pháp luật lao động, chế độ tiền lương, tiền thưởng, chế độ phúc lợi nhằm giữ chân người lao động gắn bó với DN, đồng thời làm cơ sở để thu hút nguồn lao động.

Hóa giải khó khăn

Hiện DN đã và đang gặp nhiều khó khăn. Cước tàu biển ở mức cao, chi phí nguyên liệu đầu vào cùng nhiều chi phí khác vốn đã tăng mạnh từ năm 2021, giá xăng dầu tăng, nhiều DN lo ngại sắp tới sẽ tiếp tục phải đối mặt với làn sóng tăng giá dịch vụ khác. Trên thực tế, việc tăng giá xăng dầu đang khiến nhiều loại dịch vụ và giá nguyên liệu đầu vào khác tăng theo là điều khó tránh khỏi.

Đơn cử như trong lĩnh vực logistics, ông Nguyễn Quang Sang, Phó Giám đốc Công ty Thương mại - dịch vụ hàng hóa Phương Nam (TP.Thuận An), cho biết DN này đang cung cấp các dịch vụ vận chuyển nói riêng và các giải pháp logistics khác nói chung cho phần lớn đối tác, khách hàng DN trên toàn quốc. Giữa các bên đều có sự thỏa thuận và thống nhất về giá cước vận chuyển khi thực hiện ký hợp đồng, Phương Nam logistics vẫn đang áp dụng giá cước như đã công bố trong suốt quá trình hợp tác. Do vậy, khi giá xăng dầu tăng gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành trực tiếp tại DN. Chi phí xăng dầu cho đội xe tải bị đội lên từ 5 - 7%, buộc DN có phương án thay đổi giá.

Ông Sang phân tích trong hoạt động của DN logistics, xăng dầu chiếm cơ cấu từ 35 - 40% giá cước. Vì thế, nếu không tăng giá cước logistics theo chi phí giá xăng, DN sẽ lỗ tương ứng. Điều này đồng nghĩa với việc DN sẽ phải có phương án thương lượng với khách hàng. Trong hoạt động kinh doanh vận tải, logistics nói chung, không có ràng buộc DN phải giữ giá y nguyên mà sẽ có điều chỉnh theo biến động của thị trường xăng dầu. Vì thế, việc điều chỉnh giá cước là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi sẽ cố gắng đàm phán với khách hàng để có giá cả mà cả 2 bên chấp nhận được ”, ông Sang chia sẻ.

Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long (TX.Tân Uyên), cho biết giá xăng tăng mạnh khiến DN đứng trước nhiều áp lực, ảnh hưởng đến việc khôi phục sản xuất. Khi giá xăng dầu tăng sẽ khiến chi phí vận chuyển nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển sản phẩm đầu ra đều tăng lên. Bên cạnh đó, giá cả các loại hàng hóa, nguyên liệu nhập vào sẽ điều chỉnh theo giá xăng dầu nên thời gian tới có thể nguồn nguyên liệu tiếp tục tăng so với năm 2021. “Chúng tôi đang ở thế khó. Nếu không tăng giá thành sản phẩm sẽ phải bù lỗ, còn tăng giá thành sản phẩm thì lại không cạnh tranh được. Tuy nhiên, để tăng giá cần có sự đàm phán chứ không thể một sớm một chiều”, ông Tín bày tỏ.

Trong bối cảnh khó lòng điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ “theo chiều thẳng đứng” mà cần có lộ trình, nhiều giải pháp đồng bộ đã được DN đưa ra để tiết giảm chi phí. Chẳng hạn, Công ty Phương Nam đã áp dụng công nghệ và quy trình xử lý khoa học vào vận hành, cũng như sử dụng xe tải đời mới nhằm tối ưu, tiết giảm và kiểm soát các chi phí. Song song đó là tăng cường đào tạo nhân viên nội bộ về việc ý thức vận hành, cung cấp kiến thức để có thể tiết kiệm nhiên liệu. Công ty Phước Dũ Long đang chủ động đầu tư công nghệ để cải tiến nguyên liệu đầu vào cũng như khép kín chuỗi giá trị.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=455
Quay lên trên