Khắc phục khó khăn trong tạm giữ, tạm giam

Cập nhật: 23-04-2024 | 08:59:33

Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do bà Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, làm trưởng đoàn vừa tổ chức giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam” tại Bình Dương. Phạm vi thời gian giám sát trong 3 năm (từ ngày 1-1-2021 đến ngày 31-12-2023). Qua công tác giám sát, đoàn ghi nhận một số tồn tại, khó khăn để báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.


Mô hình Giỏ sách pháp luật được bố trí ở khu vực thăm gặp tại Trại tạm giam Công an tỉnh giúp tuyên truyền phổ biến pháp luật

Bảo đảm đúng các quy định của pháp luật

Tiếp đoàn, Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an (CA) tỉnh, cho biết việc thi hành Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ được CA tỉnh thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm các quy định. Trong đó, CA tỉnh và CA các đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã tích cực chủ động triển khai tuyên truyền, phổ biến kiến thức giáo dục pháp luật về công tác quản lý, thi hành tạm giam, tạm giữ dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Biên soạn tài liệu, tổ chức các lớp tập huấn, học tập, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao nhận thức, kinh nghiệm, trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ.

Hiện CA tỉnh có một Trại tạm giam CA tỉnh, 9 nhà tạm giữ thuộc CA cấp huyện. Việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ đối với người bị tạm giam, tạm giữ tại các cơ sở giam giữ thuộc CA tỉnh diễn ra chặt chẽ, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật. Theo số liệu thống kê, từ năm 2021 đến hết năm 2023, các cơ sở giam giữ thuộc CA tỉnh đã tiếp nhận và quản lý hơn 20.790 người bị tạm giam, tạm giữ, phạm nhân. CA tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giam giữ tổ chức tiếp nhận người bị tạm giam, tạm giữ (TGTG) khi có lệnh, quyết định của người có thẩm quyền theo đúng trình tự, thủ tục. Khi tiếp nhận người bị TGTG, các cơ sở giam giữ bố trí và phân loại giam giữ riêng theo giới tính, tội danh, đối tượng cùng vụ án, người dưới 18 tuổi… và có biện pháp quản lý chặt chẽ để nắm tình hình, theo dõi, giám sát nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi chống phá, trốn, phạm tội mới, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ.

Trong 3 năm qua, các cơ sở giam giữ thuộc CA tỉnh đã tổ chức 27.890 lượt người bị TGTG thăm gặp thân nhân, 1.225 lượt trợ giúp pháp lý; tổ chức khám, cấp phát thuốc thông thường cho hơn 98.885 lượt người bị TGTG và chuyển khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước đối với 325 lượt. Các chế độ, quyền của người bị TGTG bảo đảm theo quy định và được thực hiện tốt. Công tác kiểm sát cơ sở giam giữ trên địa bàn tỉnh được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện nghiêm theo các quy định, trong đó chú trọng kiểm sát việc bắt, TGTG.

Cần giải quyết tồn tại, vướng mắc

Theo cơ quan chức năng tỉnh, Bình Dương là một trong các tỉnh đứng đầu về phát triển công nghiệp, thu hút đông người lao động ở nhiều địa phương khác (bao gồm cả người nước ngoài) đến sinh sống và làm việc. Từ đó kéo theo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ngày càng phức tạp, làm phát sinh nhiều loại tội phạm. Khi tội phạm gia tăng đã kéo theo số lượng người bị TGTG gia tăng trong những năm qua.

Dù công tác quản lý giam giữ trong thời gian qua được quan tâm, tạo điều kiện và đầu tư, song thực tế kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, thi hành TGTG còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu; biên chế cán bộ (cán bộ quản giáo nữ, cán bộ y tế) tại các cơ sở giam giữ còn thiếu, công việc chịu nhiều áp lực khi vừa phải bảo đảm an toàn cơ sở giam giữ, vừa bảo đảm các quyền của người bị TGTG…

Trong khi đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng việc quy định mức ăn theo Nghị định số 120/2017 của Chính phủ chưa phù hợp với thực tế. Việc quy định định lượng thực phẩm theo tháng cũng gây khó khăn cho công tác kiểm sát thực hiện chế độ cho người bị TGTG trên thực tế.

Tại buổi giám sát, thành viên của đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng nêu một số nội dung cần làm rõ thêm, như: Số lượng camera giám sát an ninh tại các cơ sở giam giữ thuộc CA tỉnh hiện nay liệu đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thực tế; hiện vật giá leo thang có ảnh hưởng đến chế độ ăn, ở, mặc và tư trang; khó khăn trong thực hiện chế độ đối với người bị kết án tử hình…

Trên cơ sở gợi ý của đoàn giám sát, tỉnh Bình Dương kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để khắc phục vướng mắc trong công tác TGTG; Bộ CA bổ sung kinh phí sửa chữa, nâng cấp các khu buồng giam; xây dựng chế độ chính sách tương xứng, tạo động lực thu hút cán bộ…

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, bà Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt của CA tỉnh và các đơn vị liên quan trong việc khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng bảo đảm hoạt động tố tụng hình sự, các quyền trong thi hành TGTG những năm qua. Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan chịu sự giám sát cần kịp thời có các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm tuân thủ pháp luật về thi hành TGTG.

“Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề này, đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật về thi hành TGTG của các đơn vị liên quan, kết quả đạt được và những mặt tồn tại, hạn chế, khó khăn cũng như nguyên nhân, bất cập về pháp luật. Với các kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, đơn vị, đoàn giám sát sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả về thi hành TGTG”, bà Mai Thị Phương Hoa kết luận.

HƯNG PHƯỚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=593
Quay lên trên