“Khách sạn” của người cơ nhỡ...

Cập nhật: 17-08-2013 | 00:00:00

Ban đầu, những căn phòng đầy đủ tiện nghi đó dùng làm khách sạn, nhà nghỉ. Sau đó được chuyển mục đích thành Trung tâm bảo trợ xã hội (TTBTXH) Ngọc Quý. Bãi đất trống cạnh bên xây một tịnh xá để làm chỗ tu tập. Từ đó, khách sạn “biến” thành nơi sinh sống của những phận đời lang thang, cơ nhỡ… 

Ông Sức, người hiến tặng khách sạn và thường xuyên đến thăm TTBTXH Ngọc Quý

Tấm lòng của chủ nhân

Ai mới đến TTBTXH Ngọc Quý (tổ 43, khu phố 6, phường Hiệp An, TP.TDM) hẳn sẽ có ấn tượng tốt đẹp về một khu nhà ở, sinh hoạt thật khang trang, tiện nghi đầy đủ. Đi theo con đường rợp bóng cây, chúng tôi đến TTBTXH này và thầm cảm phục tấm lòng của chủ nhân dành cho những mảnh đời không nơi nương tựa. Ông Nguyễn Văn Sức, 69 tuổi, chồng bà Ngọc Quý, trước đây từng là “đồng chủ nhân” khách sạn chân thành cho biết: “Tôi là trẻ mồ côi. Ngày nhỏ từng lên chùa sống nhờ vào cửa Phật nên tôi có nỗi đồng cảm sâu sắc với trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa. Thế nên, khi khách sạn này kinh doanh không hiệu quả, vợ tôi có ý nguyện hiến cúng làm TTBTXH và do Ni sư Thích nữ Chơn Ngữ làm chủ, tôi đồng ý liền. Vợ chồng tôi coi như đã làm được một việc thiện nguyện, có ý nghĩa trong cuộc đời của mình”.  

Nghệ sĩ Phương Trinh (Bình Dương, bìa trái) thường đến TTBTXH Ngọc Quý làm từ thiện

Với bà Ngọc Quý, trong đơn xin thành lập TTBTXH, bà viết cụ thể: “TP.TDM là một trung tâm kinh tế - xã hội rất phát triển của tỉnh Bình Dương. Đây là một địa bàn có đông dân nhập cư sinh sống. Sự phát triển kinh tế kéo theo sự phân hóa rất lớn, khoảng cách của người giàu, người nghèo ngày càng xa hơn. Những trẻ mồ côi, người già, tàn tật, tâm thần, người lang thang không có nơi nương tựa với số lượng ngày càng cao. Đây là đối tượng rất cần Nhà nước cũng như cộng đồng dang tay cưu mang, giúp đỡ. Xét về tính nhân đạo và điều kiện kinh tế của gia đình, sau khi các thành viên thống nhất đã quyết định hiến khách sạn hiện hữu thành TTBTXH Ngọc Quý để góp phần đem lại niềm vui, cuộc sống ấm no cho các đối tượng xã hội cần được chăm sóc, giúp đỡ”. Với tấm lòng này, cuối năm 2102, nơi đây dần dần thành ngôi nhà chung cho những người “không gia đình” hay bị gia đình bỏ rơi. Ni sư Thích nữ Chơn Ngữ, quê Phú Yên, tu học ở chùa Huê Lâm (Bà Rịa - Vũng Tàu) được mời về tu tập ở tịnh xá mới xây dựng cạnh trung tâm và điều hành công việc ở đây.

Cô Chơn Ngữ cho biết, ông bà Ngọc Quý dù đã giao công việc cho cô và các nhân viên ở trung tâm nhưng vẫn thường xuyên đi từ TP.HCM đến trung tâm để chăm sóc, giúp đỡ những người ở đây. Thỉnh thoảng, ông Sức, bà Quý còn đem bánh, kẹo, sữa, vật dụng sinh hoạt hàng ngày cũng như giới thiệu cho bạn bè trong giới kinh doanh, nghệ sĩ… biết để cùng làm thiện nguyện.

Và những mảnh đời được cưu mang

Khuôn viên TTBTXH Ngọc Quý rộng hơn 2.000m2 với 43 phòng, có sân, vườn đầy đủ. Ở đây có khu nhà ăn, phòng y tế và hội trường để sinh hoạt chung. Khi chúng tôi đến, trung tâm có 8 trẻ mồ côi, 12 người già, tàn tật. Nhìn những em bé sơ sinh đã mất nguồn sữa mẹ thật thương tâm. Trong một phòng riêng, chị T. một phụ nữ không may bị người yêu ruồng rẫy đang “ở tạm một thời gian cho cứng cáp sau khi sinh rồi sẽ gửi con lại trung tâm để đi xin việc làm”. Như để thuyết phục chúng tôi về những đứa trẻ này, cô Chơn Ngữ và ông Sức đưa ra giấy quyết định thành lập trung tâm, những tờ giấy viết tay của các bà mẹ “gửi con, cho con”. Những đứa trẻ này vào đây được làm khai sinh với các tên như: Ngô Thiện An, Ngô Thiện Thành, Ngô Thiện Quốc, Ngô Thị Diễm Thảo… Những cái tên thật hay để cuộc đời các em bớt sóng gió, được may mắn hơn là ước nguyện của những người ở trung tâm này.

Ngoài vợ chồng bà Ngọc Quý hay lui tới phụ cô Chơn Ngữ còn có 3 nhân viên tự nguyện đến phục vụ. Họ cho biết rất thương và cảm thông với những hoàn cảnh éo le ở đây. Trong một căn phòng rộng với 2 chiếc giường, bà Nguyễn Thị Hảo, 76 tuổi, ở Phước Sang, Phú Giáo đến… tá túc! Bà Hảo cho biết: “Tôi có nhà cửa đàng hoàng nhưng con cái nghèo quá, không lo cho mẹ được. Tôi lại hay đau ốm, bệnh tật nên sợ ở nhà sẽ làm gánh nặng cho con. Nghe người ta nói ở đây nhận nuôi người già nên tôi đến xin và được chấp nhận”. Bà Hảo cho biết không khí trong lành, bình yên của trung tâm giúp bà bình an và khỏe mạnh hơn khi còn ở nhà. Vào đây, được gặp cô Chơn Ngữ giúp đỡ, thỉnh thoảng sang tịnh xá cạnh trung tâm nghe kinh Phật, bà phát tâm ăn chay trường cùng cô chứ không ăn phần ăn mặn của nhà ăn trung tâm. Đưa tay chỉ sang cái giường trống bên cạnh, bà Hảo tươi cười: “Tôi nghe nói sắp có một bà già chuyển đến ở, vậy là tôi có bạn rồi…”. Bà Lê Thị Năm, ngoài 50 tuổi quê từ Cần Thơ cũng đến trung tâm được 3 tháng nay. Bà Năm cho hay: “Tôi không còn người thân, ở nhà một mình cô quạnh lắm nên được người bà con đem đến đây”. Ngày ngày bà Năm cũng phụ giúp công việc quét dọn, nấu nướng cho “đại gia đình” những người lang thang nay hội tụ về…

Dãy nhà dành cho nam có nhiều người ngồi xem tivi, chuyện trò cùng nhau. Ông Nguyễn Hoàng Minh, ở trọ tại Lái Thiêu, TX.Thuận An đến trung tâm 2 tháng nay. Ông bị tai biến đã 3 năm. Một bên chân, tay không còn khỏe nhưng vẫn lắc nhắc đi phụ hồ kiếm sống. Một lần quá mệt và quá buồn, ông đi lang thang. Có một người đi đường thấy thương tình đưa ông đến nhờ trung tâm giúp đỡ. “Từ đó, tôi có chỗ ăn, ngủ miễn phí, còn gì mừng vui cho bằng hả cô?”, ông Minh nói không còn rõ chữ. Người đàn ông không vợ con, ba mất từ năm 12 tuổi, đứa em trai mất cách đây 7 năm vì tai nạn giao thông trở thành người bơ vơ, không người thân nay được cưu mang vào cuối đời thấy mình hạnh phúc vô biên khi được chăm sóc, chuyện trò… Những bữa ăn đạm bạc ở đây với rau củ nhiều hơn thịt cá nhưng tình người chan chứa đã sưởi ấm lòng nhau.

Có khi, mục đích ban đầu không thành nhưng lại phát sinh điều tốt đẹp hơn. Vâng, có lẽ điều này đúng ở TTBTXH Ngọc Quý. “Khi những người già mất, tôi chuẩn bị luôn… một cõi đi về cho họ ở đây bằng cách hỏa táng xong, sẽ đưa vô gửi tại tịnh xá”… Đó cũng là “phần việc” mà vợ chồng ông bà Ngọc Quý tâm niệm bởi đã thương thì thương cho trót và đã cưu mang phải đến tận cùng… q

Trả lời về hoạt động của TTBTXH Ngọc Quý, bà Huỳnh Thị Tuyết Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp An, TP.TDM cho biết, bà Nguyễn Ngọc Quý là người ở địa phương, sau này về TP.HCM kinh doanh, sinh sống. Theo ý nguyện của bà Quý là khi kinh tế đã ổn định sẽ phát tâm làm từ thiện. Cùng giúp đỡ kinh phí hoạt động có người thân, bạn bè của bà Quý. Trung tâm có giấy phép hoạt động, có quyết định thành lập cơ sở bảo trợ xã hội của Chủ tịch UBND TP.TDM ký ngày 1-11-2012. Về phía chính quyền địa phương, xét thấy trên địa bàn chưa có TTBTXH, mục đích ban đầu của chủ nhân muốn dành khách sạn đón nhận người lang thang cơ nhỡ là tốt nên đã có sự hỗ trợ, giúp đỡ trong việc hướng dẫn làm các thủ tục hành chính, đưa nhân viên của trung tâm này đến các TTBTXH hoạt động tốt để học hỏi kinh nghiệm. Từ ngày đi vào hoạt động đến nay trung tâm chưa có điều gì sai sót và lãnh đạo UBND xã tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ cũng như chấn chỉnh kịp thời các hoạt động tại trung tâm để có hiệu quả cao…

QUỲNH NHƯ - H.THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=564
Quay lên trên