Khai mạc Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 9: Tăng cường đối thoại, hợp tác và liên kết

Cập nhật: 06-11-2012 | 00:00:00

Chiều 5-11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở thủ đô Vientiane, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đã bắt đầu diễn ra các hoạt động chính thức của Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 9 (ASEM 9).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Choumaly Sayasone và Thủ tướng Chính phủ Thongsing Thammavong đã chủ trì lễ đón chính thức với các nghi thức trọng thị dành cho các vị lãnh đạo và trưởng đoàn của các thành viên ASEM, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Tổng Thư ký ASEAN. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự hội nghị.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ tư từ bên trái, hàng đầu) dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu. Ngay sau lễ đón, các vị lãnh đạo đã chứng kiến lễ kết nạp 3 thành viên mới của ASEM là Bangladesh, Thụy Sĩ và Na Uy. Các vị lãnh đạo đã nồng nhiệt chúc mừng các thành viên mới, khẳng định sự tham gia của ba quốc gia chứng tỏ sức hấp dẫn của ASEM, đồng thời tạo thêm sức mạnh và vị thế mới cho hợp tác của diễn đàn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Choumaly Sayasone nhấn mạnh Hội nghị Cấp cao ASEM 9 là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đối với hợp tác ASEM mà còn góp phần củng cố xu thế đối thoại, hợp tác và liên kết ở hai châu lục và trên thế giới, nhất là trong bối cảnh cục diện thế giới và ở hai khu vực đang có nhiều diễn biến nhanh chóng và phức tạp.

Trong phát biểu chào mừng hội nghị, Thủ tướng Thongsing Thammavong khẳng định, với chủ đề “Bạn bè vì hòa bình, Đối tác vì thịnh vượng”, Hội nghị Cấp cao ASEM 9 sẽ tập trung trao đổi nhiều biện pháp quan trọng nhằm tăng cường hợp tác ASEM trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi kinh tế và ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Tại phiên họp kín đầu tiên về “Các vấn đề kinh tế - tài chính”, các vị lãnh đạo đã thống nhất nhận định tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, tăng trưởng chậm lại, cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro ngày càng sâu sắc, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi giảm sút.

Trong bối cảnh đó, các vị lãnh đạo khẳng định quyết tâm tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế giữa hai châu lục nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, cân bằng và đồng đều, chú trọng hợp tác tài chính, tăng cường kết nối, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, giải quyết vấn đề việc làm, khôi phục lòng tin của thị trường, tăng cường minh bạch và cải cách hệ thống tài chính.

Hội nghị bày tỏ ủng hộ các biện pháp của Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Lô Cabốt về thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, nhu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Hội nghị nhất trí tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực cải cách quản trị kinh tế toàn cầu và các định chế tài chính quốc tế, nhất là Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới theo hướng nâng cao tiếng nói và vai trò của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, đồng thời ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, kết thúc thành công Vòng đàm phán Doha.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trước những thách thức toàn cầu đang nổi lên ngày càng gay gắt, nhu cầu gia tăng hợp tác và liên kết khu vực trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất, ASEM cần tạo động lực mới cho trụ cột hợp tác kinh tế của Diễn đàn thông qua phối hợp chặt chẽ hơn chính sách kinh tế - tài chính, triển khai mạnh mẽ hơn “Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại” và “Kế hoạch hành động xúc tiến đầu tư” của ASEM, đồng thời làm sống động lại cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM đã bị gián đoạn gần 10 năm qua.

Trong quá trình hợp tác, ASEM cần quan tâm thỏa đáng các vấn đề phát triển, các chương trình kết nối khu vực và liên khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển và bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các thành viên phát triển và đang phát triển. Các thành viên ASEM cũng cần đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm, hợp tác về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế xanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đồng thời, với tiềm năng và vị thế của mình, ASEM cần tiếp tục ủng hộ, đóng góp để cải cách Quỹ Tiền tệ quốc tế và các định chế tài chính quốc tế theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, phát huy vai trò của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển. Thủ tướng cũng chia sẻ quyết tâm của Việt Nam trong ổn định, lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời đóng góp vào những nỗ lực phát triển chung của khu vực và thế giới.

Hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 6-11.

Ngày 5-11, tại thủ đô Vientiane nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Thủ tướng Italia Mario Monti, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Slovenia Janez Jansa và Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague đang tham dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 9 (ASEM 9).

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=281
Quay lên trên