Mộc bản Triều Nguyễn là bản gốc của các bộ chính văn, chính sử nổi tiếng của Việt Nam được biên soạn, khắc in chủ yếu dưới Triều Nguyễn.
Chiều tối 22/9, tại thành phố Đà Lạt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) tổ chức khai mạc Triển lãm “Không gian Mộc bản Triều Nguyễn” và sự kiện văn hóa “Hành trình Di sản trong Thời đại Số," với sự tham gia của gần 200 đại biểu khách mời.
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết ngoài việc quản lý, bảo quản tài liệu lưu trữ theo phân công, chuyên đề, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV rất vinh dự và có trách nhiệm rất cao trong việc quản lý, bảo quản và phát huy giá trị khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn với 33.971 Mộc bản.
Đây là tài liệu quý giá, có giá trị đặc biệt trong kho tàng lịch sử Việt Nam, thể hiện các hoạt động của Triều Nguyễn, để các thế hệ mai sau có thể tìm hiểu cội nguồn, sự phát triển văn hóa của dân tộc.
Năm 2009, UNESCO đã vinh danh Mộc bản Triều Nguyễn là Di sản Tư liệu Thế giới đầu tiên của Việt Nam, là sự ghi nhận, đánh giá cao của quốc tế và cũng là trách nhiệm nặng nề của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Bộ Nội vụ đã chỉ đạo Cục yêu cầu các trung tâm làm tốt công tác bảo quản và đặc biệt phải phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia.
Các trung tâm đã có nhiều hoạt động phong phú. Việc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tổ chức không gian Mộc bản Triều Nguyễn trong sự kiện “Hành trình Di sản trong Thời đại Số" là một trong những hoạt động của Đề án bảo quản, phát huy giá trị tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016.
Hoạt động phát huy giá trị tài liệu Mộc bản, Châu bản thể hiện cả dòng chảy lịch sử Việt Nam, thể hiện truyền thống lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia.
Đánh giá cao cách phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, có sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết sử dụng công nghệ số tái hiện lại lịch sử hình thành, quy trình biên soạn, khắc ghi Mộc bản, đặc biệt là thông tin trên Mộc bản - bản hùng ca sử Việt, giúp công chúng có thể tiếp cận gần như nguyên bản Mộc bản.
Ông đánh giá cao sự cố gắng của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV có nhiều sáng tạo, tìm tòi trong phát huy giá trị tài liệu; mong muốn làm tốt hơn nữa việc quảng bá hình ảnh, truyền thống lịch sử để công chúng các thế hệ tiếp cận; sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương trong việc bảo quản, phát huy tốt giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia, đặc biệt là Mộc bản.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S chia sẻ, nhân kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2023), tỉnh tổ chức nhiều sự kiện chào mừng. Triển lãm “Không gian Mộc bản Triều Nguyễn” và sự kiện văn hóa “Hành trình Di sản trong Thời đại Số” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tổ chức là sự kiện ý nghĩa.
Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan thuộc Bộ Nội vụ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã thực hiện tốt nhiệm vụ với sứ mệnh giữ gìn Mộc bản Triều Nguyễn, góp phần là một trong những điểm đến cho du khách Lâm Đồng và Đà Lạt.
Số lượng 50.000 lượt khách đến thăm mỗi năm đã đưa Trung tâm trở thành trung tâm học đường, giáo dục văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Nhắc đến các hoạt động ý nghĩa Trung tâm phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức như “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý," “Đà Lạt xưa và nay," ông Phạm S nhấn mạnh “với trách nhiệm, tình cảm, hướng đến lịch sử, hướng đến tương lai, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đặt chân tại thành phố Đà Lạt đã góp phần tạo nên những di sản của UNESCO."
Mộc bản Triều Nguyễn là những bản gốc tài liệu, có giá trị đặc biệt về lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng,… đã được ngành Lưu trữ qua các thời kỳ tập trung quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị một cách thống nhất, có hiệu quả, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lần đầu tiên tại một Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, người tham dự được trải nghiệm ứng dụng Hologram để hiểu về câu chuyện Mộc bản bằng tranh cát, công nghệ 3D Mapping để xem quy trình biên soạn và khắc in Mộc bản, sử dụng công nghệ thực tế ảo VR 360, quét mã QR Code để xem thông tin trưng bày…
Người tham gia sẽ cùng nhau trao đổi về chuyển đổi số trong phát huy giá trị tài liệu lưu trữ thông qua tọa đàm với sự tham dự của các nhà quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực lưu trữ và công nghệ.
Đây là sự kiện mở đầu quá trình quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giúp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, gần gũi, bổ ích của khách du lịch, các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ khi đặt chân đến thành phố Đà Lạt.
Sự kiện hứa hẹn sẽ là nơi định hướng, thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác bảo quản, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ cho các tỉnh, thành phố trên cả nước./.
Theo TTXVN