Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại lễ khai mạc. (Nguồn: AP)
Hơn 100 nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao từ khắp hành tinh sáng 21/9 đã tham dự trực tiếp phiên khai mạc Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York nhằm cùng nhau tìm ra giải pháp cho những thách thức lớn nhất hiện nay là đại dịch COVID-19, thực trạng thế giới chia rẽ và vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại lễ khai mạc kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ 193 nước thành viên Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới hãy ủng hộ phân phối vaccine công bằng và không thể để tình trạng phần lớn các nước giàu miễn dịch trong khi 90% người dân châu Phi thậm chí chưa được tiêm liều thứ nhất.
Hiện khoảng 5,7 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho người dân ở nhiều nước trên khắp thế giới nhưng chỉ 2% trong số này đã tới với người dân châu Phi.
Ông Guterres đặt mục tiêu khoảng 70% người dân trên thế giới sẽ được tiêm chủng xong vào giữa năm 2022.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng cảnh báo tình trạng thế giới ngày càng chia rẽ, phân cực, khó đoán định hơn cả thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời kêu gọi hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc hãy hợp tác, đối thoại.
Ông nhấn mạnh nguyên nhân gốc rễ của nhiều vấn đề nghiêm trọng hiện nay là bởi thế giới đang có chiều hướng tiến tới hai hệ thống kinh tế, thương mại, tài chính và công nghệ riêng biệt, hai cách tiếp cận khác biệt trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo và hai chiến lược quân sự và địa chính trị khác hẳn nhau.
Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các nước hãy hợp tác hơn, thấu hiểu nhau hơn để khôi phục lòng tin và mở ra hy vọng tươi sáng hơn cho thế giới.
Bên cạnh đó, ông chỉ ra rằng những chia rẽ giữa các cường quốc hiện nay đang đẩy lùi những nỗ lực và những mục tiêu ưu tiên của thế giới, khiến nhiều cuộc tranh giành quyền lực thông qua bạo lực, nhiều cuộc đảo chính đã xảy ra như ở Myanmar, Guinea và mới đây là Afghanistan.
Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh, điều đáng quan ngại là chính những chia rẽ về địa chính trị của các cường quốc đang cản trở hợp tác quốc tế và làm hạn chế khả năng của chính Hội đồng Bảo an, cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc, trong việc đưa ra các quyết định quan trọng tại các thời điểm mang tính khủng hoảng./.
Theo TTXVN