Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do- Bài 1
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Bài 1: Nỗ lực nâng cao vị thế xuất khẩu
Bình Dương đã và đang chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có giá trị gia tăng cao. Với những kết quả đã đạt được, Bình Dương vừa được vinh danh là địa phương đứng thứ 3 trong nhóm tỉnh, thành có bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do cao nhất, với điểm số tổng hợp là 34.02 điểm.
Nâng cao năng lực hội nhập
Trong năm 2024, Bình Dương xuất siêu 9 tỷ 992 triệu đô la Mỹ. Bình Dương có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ, với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu 19,31 tỷ đô la Mỹ, chiếm 56,17% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong số 6 mặt hàng này, xuất khẩu sắt thép các loại tăng 32,4%; gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 17,6%; hàng dệt may tăng 15,1%; giày dép tăng 13,8%... Theo Sở Công thương, năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025 hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều tăng trưởng. Các doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt cơ hội từ hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, thực thi để xuất khẩu sang những thị trường này.

Ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết năm 2024 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1093/ QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Bình Dương năm 2024. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao năng lực về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng tuyên truyền các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật trong năm 2024 và thông tin chuyên sâu về các FTA mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh công tác phối hợp triển khai các hoạt động chuyên sâu về hội nhập giữa Bình Dương và Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, các bộ, ngành Trung ương; tăng cường triển khai các hoạt động nghiên cứu, dự báo về tình hình hội nhập quốc tế.
Năm 2024, Bình Dương đã ký kết 4 văn bản hợp tác với đối tác quốc tế, gồm: Chính thức ký kết, thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với thành phố Heidelberg (Đức); ký kết Ý định thư về hợp tác - giao lưu - hữu nghị với tỉnh Hà Nam (Trung Quốc); ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); ký kết Bản Ghi nhớ về “Chương trình đối tác tăng trưởng đô thị” với Tổng Công ty Becamex IDC và Tổng Công ty nhà đất Hàn Quốc (LH). |
Bên cạnh đó, địa phương triển khai kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch… về hội nhập kinh tế quốc tế; tận dụng tốt các cơ hội và giảm thiểu những thách thức, tác động tiêu cực mà các FTA đem lại; đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh của Bình Dương, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh...
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám Sở Công thương, cho hay ngành công thương đã và đang tăng cường tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế, các FTA, thị trường các nước xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, kênh thông tin phù hợp để phổ biến sâu rộng đến từng cơ quan, đơn vị, DN và nhân dân trong tỉnh về các FTA mà Việt Nam tham gia. “Chúng tôi thường xuyên liên hệ, phối hợp với các vụ, cục và các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài thuộc Bộ Công thương để nắm bắt kịp thời diễn biến, nhu cầu thị trường thông tin đến DN để chủ động trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh hỗ trợ DN sử dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước phục vụ xuất khẩu”, bà Phan Thị Khánh Duyên nói.
Chủ động phòng ngừa, ứng phó rủi ro
Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, thời gian qua các ngành đã hỗ trợ, khuyến khích các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xuất khẩu hiệu quả. Trong xu thế cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt như hiện nay, các DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, DN cần chủ động phòng ngừa, ứng phó với những rủi ro tiềm ẩn như biến động thị trường, rào cản kỹ thuật thương mại, cạnh tranh không lành mạnh; quan tâm đến các vấn đề về phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong quá trình hội nhập…

Bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết Bình Dương đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của DN về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA Việt Nam tham gia nói riêng, nhất là cơ hội và thách thức từ các FTA trong hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài. Bình Dương cũng tổ chức các hội nghị giới thiệu về thị trường xuất khẩu mới, giàu tiềm năng; phối hợp Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại. Về phía DN, điều tiên quyết là phải nâng cao nội lực, thích ứng được yêu cầu của các thị trường...
Còn tiếp...
TIỂU MY - THANH TUYỀN