Khai thác hiệu quả lợi thế để nâng tầm phát triển

Cập nhật: 26-10-2024 | 08:34:16

Trong giai đoạn mới, TP.Dĩ An nỗ lực phát triển trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao của Bình Dương gắn với phát triển giao thông đầu mối, phát triển logistics kết hợp với phát triển đô thị... theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh).


Logistics đường sắt là lĩnh vực đã và đang đóng góp quan trọng phát triển ngành thương mại - dịch vụ của TP.Dĩ An

Phát huy lợi thế

TP.Dĩ An là cửa ngõ của Bình Dương, giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh và TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Với lợi thế về vị trí địa lý, TP.Dĩ An có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, tăng khả năng lưu thông hàng hóa, phát triển đô thị vệ tinh, thu hút nguồn nhân lực, phát triển các ngành thương mại - dịch vụ chất lượng cao và công nghiệp công nghệ cao.

Từ đầu năm đến nay, kinh tế của TP.Dĩ An tiếp tục tăng trưởng ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng 15,06% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với ngành công nghiệp, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Về thu ngân sách Nhà nước, thành phố đã thu hơn 5.100 tỷ đồng, đạt 76,3% dự toán UBND tỉnh giao năm 2024 và Nghị quyết HĐND thành phố giao năm 2024...

Hiện trên địa bàn thành phố có 6 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp, 10 chợ truyền thống, 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị và hơn 70 cửa hàng tiện ích. Trên địa bàn thành phố còn có ga Sóng Thần, 2 trung tâm ICD (cảng cạn) và trên 50 DN dịch vụ logistics. Hệ thống kho ngoại quan, kho CFS (điểm giao hàng lẻ), ICD và đại lý làm thủ tục hải quan đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay, trong đó có nhiều kho ngoại quan có hệ thống quản lý hiện đại, diện tích lớn.

Ưu tiên phát triển thương mại - dịch vụ

Trong thời gian tới, TP.Dĩ An tiếp tục tận dụng các lợi thế về vị trí, hạ tầng để kết nối phát triển không gian nội vùng Đông Nam bộ; phát triển liên kết vùng thông qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đồng thời xây dựng các trục giao thông trọng yếu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Cùng với đó, thành phố tiếp tục phát huy nội lực, thu hút ngoại lực để tạo nguồn lực dồi dào phục vụ xây dựng và phát triển thương mại - dịch vụ, đô thị, với trọng tâm là phát triển phong phú, đa dạng các ngành, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, điện tử, bảo hiểm, vận tải, giáo dục, y tế, bưu chính viễn thông, logistics… Đây cũng là tiền đề quan trọng để thành phố thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Dĩ An trở thành đô thị loại I vào năm 2025.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các dịch vụ cao cấp; ưu tiên phát triển các ngành thương mại - dịch vụ chất lượng cao và có giá trị gia tăng nhanh, như trung tâm thương mại - dịch vụ tại các khu chung cư; quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ dọc các tuyến đường trọng yếu trên địa bàn; phát triển thương mại - dịch vụ kết hợp với phát triển các khu đô thị mới. “TP. Dĩ An chú trọng thu hút các dự án về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, dịch vụ thương mại cấp vùng, phát triển công nghiệp theo hướng xanh và ứng dụng công nghệ cao, qua đó tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”, ông Phạm Văn Bảy nói.

Cũng theo lãnh đạo thành phố, Dĩ An không phát triển mới các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp; kiên quyết di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; từng bước di dời các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong các khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp tập trung. Đồng thời, thành phố chuyển đổi các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp thành các dự án về thương mại - dịch vụ và đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư); cùng với đó đẩy nhanh chuyển đổi số đối với các ngành, lĩnh vực.

Theo Quy hoạch tỉnh, TP.Dĩ An sẽ phát triển trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển giao thông đầu mối, phát triển logistics kết hợp với phát triển đô thị. Kinh tế của thành phố phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, gia tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành dịch vụ vào nền kinh tế tỉnh nhà trong giai đoạn tiếp theo.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=171
Quay lên trên