Khai thác khoáng sản gắn với kinh tế tuần hoàn: Hướng đi bền vững - Kỳ 1
Theo dõi Báo Bình Dương trên

LTS: Bình Dương sở hữu số lượng khoáng sản phong phú, bao gồm đá, cát, đất sạn sỏi, sét gạch ngói. Các loại khoáng sản này đã và đang được khai thác hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế. Trước áp lực biến đổi khí hậu và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, Bình Dương đang hướng tới phát triển bền vững, trong đó có giải pháp khai thác khoáng sản gắn với kinh tế tuần hoàn (các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường) nhằm tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm tác động môi trường. |
Kỳ 1: Tối ưu hóa khai thác khoáng sản
Khai thác khoáng sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nếu không được tối ưu hóa, hoạt động khai thác khoáng sản có thể gây lãng phí tài nguyên, hủy hoại môi trường và ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. Giải pháp đang được nhiều địa phương, doanh nghiệp thực hiện là áp dụng công nghệ tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất tài nguyên và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế
Huyện Bắc Tân Uyên có nguồn tài nguyên khoáng sản khá dồi dào, chủ yếu là mỏ đá, đất san lấp; lại nằm giáp sông Đồng Nai, hình thành tuyến vận tải thủy quan trọng kết nối vùng Đông Nam bộ với đồng bằng sông Cửu Long. Theo quy hoạch, trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên có hơn 600 ha diện tích khai thác khoáng sản tại 2 xã Tân Mỹ và Thường Tân, không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn cung ứng tài nguyên khoáng sản cho khu vực.
Lãnh đạo huyện Bắc Tân Uyên cho biết, Bình Dương đang đẩy nhanh thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như đường ven sông Sài Gòn, đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn tỉnh, nâng cấp Quốc lộ 13. Riêng trên địa bàn huyện có các dự án đường giao thông lớn đi qua như đường Thủ Biên - Đất Cuốc, đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng, huyện ưu tiên sử dụng nguồn đá tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển, đồng thời cung ứng vật liệu cho các dự án trọng điểm trong và ngoài tỉnh.
Tại huyện Dầu Tiếng hiện có 3 loại khoáng sản được cấp phép khai thác, gồm cát xây dựng (hồ Dầu Tiếng), đá xây dựng (xã Minh Hòa) và sét gạch ngói (các xã Định An, Long Hòa, Định Hiệp). Lãnh đạo huyện Dầu Tiếng cho biết việc khai thác khoáng sản hiệu quả không chỉ tạo việc làm cho người lao động mà còn cung cấp vật liệu phục vụ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, nguồn khoáng sản trên địa bàn huyện cũng được sử dụng cho các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Võ Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Khoáng sản Bình Dương, tài nguyên khoáng sản là một trong những nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vai trò nổi bật trong việc cung ứng nguồn nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp, xây dựng và giao thông.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Theo đó, Bình Dương tăng cường sử dụng công nghệ, trang thiết bị mới, tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, tuần hoàn khép kín; có khả năng thu hồi tối đa khoáng sản, tránh lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên, sử dụng ít nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng...
Phát triển công nghệ và hạ tầng
Các doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đang chú trọng sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đối với mỏ đá, vật liệu nổ công nghiệp được áp dụng thay thế phương pháp nổ mìn, đốt bằng mìn phi điện và thuốc nổ an toàn, không phát tán khí độc. Ngoài ra, các DN còn đầu tư thiết bị xay nghiền hiện đại, giám sát xả thải từ nhiên liệu hóa thạch và lắp đặt hệ thống băng chuyền vận chuyển tiên tiến.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 50 mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép, tập trung chủ yếu ở các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng và Dầu Tiếng. |
Ông Đỗ Xuân Trường, Giám đốc điều hành mỏ của Công ty TNHH Phan Thanh (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết về khai thác, công ty đang sử dụng phương pháp nổ mìn vi sai phi điện và vật liệu nổ công nghiệp thân thiện với môi trường, như thuốc nổ Anfo có cân bằng oxy bằng 0 để chấn động nổ mìn nhỏ nhất và để bảo vệ các công trình xung quanh moong khai thác. Công ty cũng đầu tư hàm xay nghiền của Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức và hệ thống phun sương tự động chống bụi hiệu quả. Đại diện Công ty TNHH sản xuất và tiếp vận Hồng Đức (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên), cho hay công ty đã lắp đặt hệ thống băng chuyền vận chuyển từ khu vực chế biến ra cảng sông Đồng Nai, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, giảm tác động đến hoạt động giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết thời gian qua công tác cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy hoạch khoáng sản của tỉnh. Ngành chức năng của tỉnh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của DN và người dân, giúp hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp. (còn tiếp)
TIẾN HẠNH