Khai thác khoáng sản xuống sâu: Bảo đảm cân đối cung – cầu về vật liệu xây dựng

Cập nhật: 23-09-2021 | 07:42:54

 Việc thăm dò, khai thác xuống sâu sẽ bảo đảm cân đối cung - cầu về vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh, tận dụng tối đa những vùng mỏ đang khai thác, có thể đánh giá được trữ lượng. Từ đó, hạn chế việc mở ra những vùng mỏ mới, khai thác phải bảo đảm an toàn, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.

Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị hoạt động khoáng sản, UBND tỉnh đã có Văn bản số 5083/ UBND-KTN ngày 7-10- 2019 về việc thống nhất cho phép thực hiện đề án điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản, đánh giá ảnh hưởng của việc khai thác xuống sâu khu vực mỏ đá Thường Tân - Tân Mỹ và khu vực mỏ đá huyện Phú Giáo.

Thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động khai thác đá xây dựng đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu cơ điện mỏ - trường Đại học Mỏ địa chất để thực hiện đề án điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản, đánh giá ảnh hưởng của việc khai thác xuống sâu các mỏ đá xây dựng. Đến nay, báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản, đánh giá ảnh hưởng của việc khai thác xuống sâu đến cote -150m khu vực mỏ đá Tân Mỹ - Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên và xuống sâu đến cote -100m khu vực mỏ đá huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương” đã được hoàn thiện theo ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định. Theo kết quả nghiên cứu và dự báo tính chất cơ lý đá của các mỏ khi khai thác xuống sâu, cho thấy càng xuống sâu chất lượng đá xây dựng trong khu vực càng tốt. Các kết quả nghiên cứu cho thấy khi khai thác xuống sâu (khu vực Thường Tân - Tân Mỹ đến cote -150m, khu vực huyện Phú Giáo đến cote -100m) với các thông số hệ thống khai thác như đề xuất, bờ mỏ đạt trạng thái ổn định ở trạng thái tĩnh >1,3 và khi tích nước hầu như không có khả năng xảy ra động đất kích thích trong khu vực. Đây là các tiền đề, tạo cơ sở cho việc tiếp tục khai thác xuống sâu.

Trên cơ sở bảo đảm khai thác tối đa tài nguyên trong biên giới khai trường được cấp phép, bảo đảm an toàn, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, đề án lựa chọn phương án hệ thống khai thác theo lớp bằng, đề xuất việc sử dụng phần mềm giám sát và cảnh báo, phát hiện mức độ ô nhiễm tại vị trí các điểm đo thu thập được trong thời gian thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh xem xét thông qua báo cáo kết quả thực hiện đề án để làm căn cứ cho việc bổ sung quy hoạch khoáng sản của tỉnh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tin tưởng rằng, với những kết quả nghiên cứu trên, khi đề án đi vào thực tế sẽ góp phần bảo đảm cân đối cung cầu cho ngành vật liệu xây dựng, phát huy các hiệu quả về kinh tế, môi trường.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên