Những ngày cuối tháng 4, UBND TX.Bến Cát tất bật hoàn thiện các thủ tục để trình cấp thẩm quyền về việc thành lập thành phố trực thuộc tỉnh. Ước vọng kết nối, phát triển theo hướng thông minh của đô thị phía bắc, nơi hai con sông lớn đi qua là Sài Gòn và Thị Tính đã và đang được hiện thực hóa.
Đô thị Bến Cát phát triển ngày càng khang trang, hiện đại
Đô thị kết nối
Tiếp chúng tôi trong quỹ thời gian ít ỏi ngay trước ngày mà lãnh đạo địa phương đang hoàn tất hồ sơ và gửi Trung ương về việc nâng cấp thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh, ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát cho biết đến nay thị xã hoàn tất các chỉ tiêu cần thiết để đáp ứng yêu cầu.
Trước đó trong quá trình thực hiện phát sinh những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đối với việc thành lập thành phố, hiện khu vực dự kiến thành lập phường là An Điền và An Tây chưa có trong quy hoạch Nam Bến Cát cũ. Để hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu, thị xã đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch. Đến nay, qua đánh giá các tiêu chí: Dân số, diện tích tự nhiên, cơ cấu và trình độ phát triển xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp… TX.Bến Cát đủ tiêu chuẩn nâng lên thành phố.
“Bến Cát nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm, có diện tích khoảng 23.442,24 ha với 8 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Từ năm 2018, sau khi được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh, thị xã đã có nhiều thay đổi về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng giao thông. Trên địa bàn có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua như Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, ĐT.741, ĐT.744, Mỹ Phước - Tân Vạn, Vành đai 4. Hệ thống này tạo điều kiện cho TX.Bến Cát kết nối thông suốt đến các khu công nghiệp, đô thị phía nam của tỉnh, Trung tâm thành phố mới Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Bình Phước cũng như các tỉnh Tây nguyên”, ông Nguyễn Trọng Ân cho biết về lợi thế của địa phương.
Cầu Đò 2 được xây dựng nhằm giảm áp lực giao thông cho các tuyến nội ô, kết nối với huyện Dầu Tiếng
Theo ông Nguyễn Trọng Ân, TX.Bến Cát được đánh giá là địa phương có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh nhờ sự quan tâm của rất nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh và Tổng Công ty Becamex IDC. Đến nay, TX.Bến Cát có 7 khu, cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho người lao động.
Cảng sông An Tây có chức năng phục vụ các hoạt động vận tải hàng hóa, hình thành chuỗi dịch vụ logistics với mô hình vận tải đa phương tiện. Diện tích đất sử dụng dự kiến 100 ha (trong đó diện tích mặt nước làm bến để neo đậu tàu dự kiến 3,54 ha). Tổng kinh phí đầu tư gần 2.300 tỷ đồng. Công suất theo quy hoạch dự kiến đến năm 2030 đạt 7 triệu tấn/năm, đội tàu có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy đến 3.000 tấn. |
Trong quy hoạch đô thị, TX.Bến Cát tuân thủ theo định hướng là đô thị kết nối, quy hoạch hệ thống giao thông liền mạch kết nối TX.Bến Cát với TP.Thủ Dầu Một, TP.Hồ Chí Minh. Trong nhiệm kỳ 2021- 2025, TX.Bến Cát ưu tiên phát triển các khu vực đô thị trong đó chú trọng các khu vực dọc theo đường Vành đai 4, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho đô thị Mỹ Phước. Đầu tư các trường trung học phổ thông tại các vị trí đã có sẵn quỹ đất ở Thới Hòa, An Tây. Tập trung hoàn chỉnh các công trình văn hóa - thể thao cấp đô thị ở phường Mỹ Phước và các công trình được xác định trong các quỹ đất công ở An Tây, An Điền. Đầu tư công viên bán ngập ở hạ nguồn suối Đồng Sổ kết hợp với dự án cải tạo suối, nhà máy xử lý nước thải tập trung ở phường Thới Hòa.
Định hướng đến năm 2030, TX.Bến Cát là đô thị công nghiệp - dịch vụ, đến năm 2040 là trung tâm đô thị có chức năng đô thị công nghiệp - dịch vụ- đầu mối giao thông. Trong đó công nghiệp theo hướng phát triển sạch, có công nghệ cao. Đến năm 2040, đô thị Bến Cát phát triển theo mô hình dạng tuyến gồm 2 hướng chính: Phát triển hành lang thương mại dịch vụdọc đường Quốc lộ 13 theo hướng Bắc Nam và phát triển các khu đô thị - thương mại dịch vụdọc theo đường Vành đai 4, tuyến vận tải theo hướng Đông Tây.
Khai thác lợi thế ven sông
Phát huy lợi thế của địa phương có 2 con sông chảy qua là Sài Gòn và Thị Tính, thị xã tập trung xây dựng đô thị phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển theo hướng văn minh hiện đại, phù hợp với đặc điểm, truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa của tỉnh Bình Dương.
Giao thông trục chính đô thị hiện hữu kết nối đô thị theo hướng Bắc Nam gồm Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng (lộ giới 64m), ĐT.741 (lộ giới 54m), ĐT.748 (lộ giới 42m), ĐT.744 (lộ giới 42m), ĐT.749A (lộ giới 42m) đầu tư nâng cấp, mở rộng lộ giới theo quy hoạch. Thương mại - dịch vụđược phát triển ở các trung tâm phân khu đô thị tại các phường Mỹ Phước, Tân Định, Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa, An Điền, An Tây dọc theo các tuyến đường Quốc lộ 13, đường 30-4, đường ĐT.741, ĐT.744, ĐT.748, NE8, TC3, 7A, 2-9 và các trục đường đi qua các khu trung tâm phân khu đô thị…
Bên cạnh đó, TX.Bến Cát cũng định hướng xây dựng 8 công viên trung tâm cấp đô thị có tổng quy mô 306 ha tại Tân Định, Thới Hòa, Mỹ Phước… và công viên dọc bờ sông, công viên liên đô thị với huyện Bàu bàng và Dầu Tiếng. Đầu tư xây dựng các tuyến đường trục chính đô thị theo hướng Đông Tây để giảm áp lực lưu lượng giao thông trên tuyên đường Vành Đai 4, giúp mạng giao thông của khu vực phát triển đồng bộ, liên hoàn theo cả hướng Bắc Nam và Đông Tây. Qua đó, kết nối đô thị mới An Tây - An Điền (dự kiến) với đô thị Mỹ Phước và kết nối về hướng đông với đô thị Thủ Dầu Một, Tân Uyên tạo thành hành lang kinh tế thương mại.
Triển vọng được mở ra về việc khai thác lợi thế của đô thị ven sông khi vừa qua UBND tỉnh đã thông qua đề án xây dựng cảng sông với công suất 7 triệu tấn/năm tại xã An Tây - địa bàn có mạng lưới giao thông khá thuận lợi với trục đường ĐT.744 và sông Thị Tính. Trong đó, ĐT.744 là tuyến đường liên tỉnh kết nối với tỉnh Tây Ninh, TP.Thủ Dầu Một. Ngoài ra, vị trí cảng An Tây nằm bên sông Sài Gòn và giáp với dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh mà Bình Dương đang triển khai thực hiện. Điều này đã và đang tạo ra những triển vọng mới để phát triển kinh tế dịch vụhỗn hợp khu vực ven sông theo đúng đi hướng.
TIỂU MY - HỮU TẤN