Khai thác lợi thế, phát triển logistics bền vững, xứng tầm- Kỳ 2

Cập nhật: 11-06-2024 | 06:50:50

Kỳ 2: Hướng tới thông minh, hiện đại

Chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực phát triển logistics với tầm nhìn liên kết vùng, hiện thực hóa mục tiêu đưa Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics thông minh, hướng tới quản lý đồng bộ hóa các chuỗi logistics, kéo giảm chi phí.

Phát huy lợi thế hạ tầng

Với lợi thế về vị trí chiến lược, có thế mạnh về phát triển công nghiệp cùng với kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, xây dựng đồng bộ, Bình Dương hoàn toàn có đủ điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm dịch vụ logistics của vùng Đông Nam bộ.

“Bình Dương xem dịch vụ logistics là một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tỉnh giai đoạn mới, góp phần chuyển dịch tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế năm 2025 đạt 28%. Từ nay đến năm 2030 tỉnh đã quy hoạch định hướng khoảng 18.500 ha đất đô thị công nghiệp và cần khoảng 18.000 - 20.000 ha cho phát triển đô thị, dịch vụ dọc các đường vành đai, cao tốc để hình thành hành lang kinh tế cho cả vùng. Chúng tôi tin tưởng vào vịtríđịa lý cùng với sựphát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, Bình Dương được coi là điểm đến cho các DN logistics”, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

Đại diện doanh nghiệp dịch vụ logistics tham quan triển lãm kho vận và tự động hóa được tổ chức tại Bình Dương vào tháng 5-2024

Theo ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC, để phát triển logistics hướng đến liên kết vùng, phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực, Becamex IDC đã quy hoạch Trung tâm Logistics phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao rộng 70 ha nằm trong khu vực thành phố mới. “Chúng tôi sẽ thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực để phát triển hệ thống kho bãi thông minh, kết nối nhanh chóng và linh hoạt với các loại phương tiện vận chuyển, dành cho các loại mặt hàng khác nhau. Tự động hóa và số hóa quy trình thông qua việc ứng dụng công nghệ mạng lưới “vạn vật kết nối”, AI trong vận hành, quản lýluân chuyển hàng hóa, kiểm soát lộ trình”, ông Phạm Ngọc Thuận cho biết.

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Bình Dương cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN dịch vụ logistics trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư kinh doanh. Hiện Bình Dương quy hoạch, bố trí quỹ đất ở những vị trí thuận lợi về giao thông để hình thành các trung tâm logistics cấp vùng, khu vực. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ DN trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, kết nối với DN trong chuỗi cung ứng, xúc tiến thương mại dịch vụ logistics.

Bên cạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng công nghiệp - đô thị - thương mại, hạ tầng giao thông, Bình Dương sẽ thu hút đầu tư vào các cảng cạn hiện đại. Ông Lai Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết dự án cảng cạn An Điền do Công ty Cổ phần Bến Cát Logistics đề xuất đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư đăng kýhơn 255,5 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng cho dự án khoảng 79.710m², dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quýI-2028 với năng lực thông quan từ 58.500 đến 93.600 TEU mỗi năm.

Cảng cạn An Điền đặt mục tiêu xây dựng hiện đại, với hệ thống kho bãi và trang thiết bị đồng bộ. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ là đầu mối tổ chức vận tải, kết nối, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí logistics và nâng cao hiệu quả kinh tế khu vực. Kỳ vọng với các dự án cảng cạn An Điền, cảng An Tây sẽ tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống giao thông đa phương thức, giảm chi phí, thúc đẩy sản xuất công nghiệp tại các địa phương trong tỉnh cũng như trong vùng Đông Nam bộ.

Đầu tư dịch vụ logistics thông minh

Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Bình Dương khẳng định ngành logistics có đầy đủ tiềm năng nội tại để trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. “Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi định hình vai trò của hiệp hội đối với việc thúc đẩy lĩnh vực logistics công nghiệp, phát triển hệ sinh thái kết nối với các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, hiệp hội liên tục thực hiện các hoạt động chia sẻ thông tin, xúc tiến thương mại đa nền tảng như triển lãm, hội thảo, đào tạo nội bộ, B2B matching... Khuyến nghị lộ trình phù hợp để hỗ trợ thành viên đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh”, bà Huỳnh Đinh Thái Linh cho biết.

Hàng hóa xuất nhập khẩu tập kết tại cảng Bình Dương

Cũng theo bà Huỳnh Đinh Thái Linh, hiệp hội sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ nguồn nhân lực địa phương, triển khai giải pháp thúc đẩy DN dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ ở mức độ 3 (3PL), 4 (4PL), hướng đến mức độ 5PL - logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Được biết đến nay, Bình Dương đã hình thành được chuỗi liên kết dịch vụ logistics cấp vùng với hệ thống hạ tầng gồm 15 trung tâm logistics quy mô lớn, trong đó có 3 ICD và 1 ga đường sắt liên vận quốc tế phục vụ xuất - nhập khẩu hàng hóa. Bình Dương cũng đã hình thành 10 cảng sông, 21 kho hàng, 19 kho ngoại quan, 2 kho CFS đang phục vụ tốt cho các hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp và thực hiện chức năng phân phối hàng hóa đến các tỉnh, thành trong khu vực và xuất khẩu.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=315
Quay lên trên