Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được các chuyên gia đánh giá sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho nước ta. Vấn đề quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng tốt cơ hội sau khi CPTPP có hiệu lực. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, thành viên Tổ tư vấn phát triển của Chính phủ.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty giày Đông Hưng. Ảnh: XUÂN THI
- Lâu nay chúng ta thường nói việc gia nhập CPTPP sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam và doanh nghiệp trong nước. Xin bà cho biết những lợi ích cụ thể mà CPTPP mang lại?
- Tham gia CPTPP, Việt Nam có 3 lợi ích lớn: Thứ nhất là cải cách thể chế. Cải cách thể chế là yêu cầu tự thân của Việt Nam, là một trong ba đột phá chiến lược nước ta đề ra cho thời kỳ 2011- 2020. Tham gia CPTPP tạo thêm động lực và áp lực cho Việt Nam thúc đẩy cuộc cải cách vô cùng cần thiết này. CPTPP có các quy định, cam kết rất toàn diện với chuẩn mực và tính minh bạch rất cao, lại có cơ chế giám sát chặt chẽ. Điều đó sẽ giúp nước ta tiến hành các cuộc cải cách một cách bài bản, thực chất, minh bạch, nghiêm túc và hiệu quả hơn.
Thứ hai là mở rộng thị trường xuất và nhập khẩu. Với CPTPP, nước ta có thể mở rộng nhập khẩu từ 10 nước thành viên CPTPP, trong đó có một số nền kinh tế phát triển cao. Thứ ba, về đầu tư và công nghệ, Việt Nam sẽ có vị thế tốt hơn để đón nhận dòng vốn đầu tư từ các nước phát triển trong và ngoài CPTPP. Đi theo đó, Việt Nam sẽ có phương thức quản lý, công nghệ tân tiến và khả năng tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu mới; chất lượng đầu tư sẽ cải thiện so với các dòng đầu tư truyền thống lâu nay.
Tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ có bước phát triển mới vững chắc hơn trong quan hệ với các đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng ta sẽ có nền tảng thể chế và kinh tế - xã hội tốt hơn, có khả năng tự chủ cao hơn trong các mối quan hệ quốc tế, kể cả với các nước lớn. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu của nước ta rộng mở với hầu hết thuế suất về 0%, trong khi các quốc gia khác xuất khẩu hàng hóa vào CPTPP phải chịu mức thuế suất khá cao. CPTPP còn tạo bước ngoặt về quan hệ thương mại của Việt Nam với một số nước lớn.
- Bà có thể nói thêm về vấn đề cải cách thể chế sẽ có lợi như thế nào cho doanh nghiệp? Rất nhiều người thắc mắc tại sao CPTPP có nhiều lợi ích như vậy nhưng các nước láng giềng, ví dụ như Thái Lan không tham gia vào hiệp định này?
- CPTPP có các quy định, cam kết rất toàn diện với chuẩn mực và tính minh bạch rất cao, lại có cơ chế giám sát chặt chẽ. Những vấn đề được quan tâm rà soát là các quy định về lao động và công đoàn, mua sắm Chính phủ, ngân hàng, tiếp cận thị trường về quy tắc xuất xứ, hải quan, sở hữu trí tuệ, đầu tư, đấu thầu.., trong đó lao động, mua sắm Chính phủ và tiếp cận thị trường là các vấn đề cần dành sự quan tâm sâu sắc. Ví dụ, với lĩnh vực mua sắm công, khi gia nhập CPTPP, Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu minh bạch và mọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đều có thể tham gia đấu thầu công khai.
Về việc tại sao nước ta tham gia CPTPP nhưng một số nước láng giềng không tham gia, chúng ta biết rằng. Nước ta mong muốn ký hiệp định thương mại đa phương với các nước lớn như Mỹ nhưng chưa có đủ tiềm lực. Do vậy, chúng ta phải tham gia vào những hiệp định đa phương khác, điển hình CPTPP là một hiệp định đa phương sẽ có nhiều lợi ích với Việt Nam. Nhìn chung, về lâu dài hội nhập vẫn là xu thế toàn cầu. Chủ nghĩa bảo hộ tăng lên ở Mỹ và vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc càng khiến các nước khác thấy rõ rằng không có cách nào khác là phải hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn với nhau. Điều này đúng với nguyên lý “bó đũa” mà cha ông ta đã dạy. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, sự phát triển công nghệ với cách mạng công nghiệp 4.0 càng đòi hỏi và thúc đẩy tự do hóa thương mại, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
Thực ra, khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), các thành viên tham gia hiệp định này đều hụt hẫng, quan ngại, khi gần 10 năm chuẩn bị với nhiều cuộc vận động, đàm phán, tương lai TPP bỗng chốc trở nên vô định. Nhưng Nhật Bản đã vượt qua cái bóng bao nhiêu năm nay của Mỹ, thể hiện vai trò thủ lĩnh đúng lúc khi đứng ra dẫn dắt, thúc đẩy đàm phán ký kết CPTPP. Với một số nước láng giềng, việc gia nhập các hiệp định đa phương chưa phải là nhu cầu bức thiết khi họ đã có những hiệp định đơn phương. Tuy nhiên, sau khi CPTPP được ký kết với những lợi ích thấy rõ của các nước thành viên thì một số nước sẽ tính toán để có thể gia nhập tổ chức này trong tương lai.
- CPTPP có hiệu lực, cơ hội thị trường nào cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, thưa bà?
- Tôi nghĩ CPTPP có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội cho rất nhiều ngành kinh tế của nước ta. Trước hết, nước ta sẽ có các thị trường mà trước đây chúng ta đã có cơ hội với họ rồi, bây giờ sẽ có những kênh mới để mở thêm quan hệ với họ với các nước thành viên CPTPP. Ví dụ như Nhật Bản, nước ta đã có 2 hiệp định đối tác (một hiệp định trực tiếp và một đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN). Giờ đây, nước ta có thêm CPTPP là kênh đa phương chứ không chỉ 2 nước với nhau và không chỉ trong khối ASEAN.
Một trong những những ngành có cơ hội lớn nhất của nước ta là ngành gỗ - đang là ngành thế mạnh của Bình Dương. Trên thực tế, sự phát triển mạnh mẽ của ngành gỗ những năm qua là một minh chứng các doanh nghiệp gỗ trong nước đã biết nắm bắt tốt cơ hội chứ không còn nằm trong tiềm năng. Hiện tại, sự dịch chuyển sản xuất của các công ty gỗ - nội thất của các nước khác, đặc biệt từ Trung Quốc sang Việt Nam khi CPTPP có hiệu lực và tiềm năng lớn của ngành chế biến gỗ trong nước, nhiều cơ hội về đầu tư tài chính, thương mại, thiết kế, nguyên liệu, thiết bị, marketing… đang được hội tụ về Việt Nam. Những lực đẩy từ nhu cầu thế giới thúc ép và tạo cơ hội cho ngành chế biến gỗ trong nước nói chung, ngành gỗ Bình Dương nói riêng phát triển toàn diện hơn để đáp ứng nhu cầu mới của các nhà đầu tư và khách hàng.
- Xin cảm ơn bà!
- Theo bà, các doanh nghiệp gỗ của Bình Dương cần làm gì để đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới, xứng tầm với tiềm năng sẵn có của địa phương?
- Hiện nay, chỉ những doanh nghiệp thật mạnh mới có thể tạo ra cùng lúc 4 giá trị cơ bản là sản xuất, thiết kế, thương mại, thương hiệu. Hầu hết doanh nghiệp trong ngành gỗ - nội thất của nước ta cũng như tại Bình Dương đang có thế mạnh về sản xuất nhưng chưa giỏi về thiết kế, thương hiệu, thương mại. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tạo liên kết mới, thuê từ nước ngoài rồi đầu tư, nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp gỗ phải thực sự đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ Việt Nam, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi lẫn tránh thuế, gian lận thương mại. Thêm vào đó, doanh nghiệp cần luôn quan tâm đến đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng cả về sản phẩm, dịch vụ và các yêu cầu khác, đáp ứng yêu cầu thời đại về bảo vệ môi trường, nói không với gỗ bất hợp pháp.
Cùng với đó, doanh nghiệp gỗ cần liên kết phát triển đồng bộ, kết nối các khâu từ nghiên cứu thị trường, đào tạo nhân lực đến thiết kế, sản xuất, thương mại..; chủ động trong liên kết, hài hòa lợi ích với người trồng rừng; sử dụng các công cụ số hóa, thương mại điện tử… Đồng thời, các doanh nghiệp không chỉ chú trọng xuất khẩu mà cần chú trọng thị trường nội địa, đặc biệt cần nâng cao trách nhiệm chung, cùng nhau bảo vệ lợi ích của toàn ngành, tránh “con sâu làm rầu nồi canh”...
TIỂU MY (thực hiện)