Khai thác nguồn lực khoa học và công nghệ: Tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn

Cập nhật: 06-09-2023 | 09:03:11

Việc khai thác nguồn lực khoa học và công nghệ (KH&CN) có tiềm năng không chỉ tạo ra sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, mà còn tạo ra những tiềm năng lớn trong cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn.

 Phát triển nguồn lực KH&CN sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm sáng chế, chế tạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 Đẩy mạnh tuyên truyền

Hiện nay, nông nghiệp Bình Dương phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái và hiệu quả, khuyến khích thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, truy xuất nguồn gốc nông sản. Trong những năm qua, công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về vị trí, tầm quan trọng của KH&CN luôn được tỉnh chú trọng.

Cụ thể, Sở KH&CN đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền đến nông dân bằng nhiều hình thức phong phú. Sở đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn về quy trình đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng chuyên đề thông tin KH&CN mới trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chính sách liên quan… Đặc biệt, hàng năm Sở KH&CN đều phát hành bản tin KH&CN đến với Hội Nông dân của 91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền chính sách về KH&CN hỗ trợ nông dân đã được tích cực triển khai với nhiều hình thức như tư vấn trực tiếp, phát hành tờ rơi, thông tin trên bản tin KH&CN và triển khai tại một số hội nghị, hội thảo. Các nội dung tuyên truyền liên quan về cho vay ưu đãi đối với các dự án ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; triển khai chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Dương đến năm 2030; chương trình hỗtrợdoanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021- 2030; kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030… Bên cạnh đó, ngành KH&CN cũng đã cùng với ngành nông nghiệp của tỉnh triển khai nhiều nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Song song đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đã giúp nông dân tiếp cận thông tin về thị trường, giá cả và xu hướng tiêu thụ một cách nhanh chóng, hiệu quả giúp nông dân tiếp cận thị trường một cách rộng hơn, từ đótạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Chú trọng khai thác các nguồn lực

Trong những năm qua, nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, Sở KH&CN đã xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn triển khai hành lang pháp lý về KH&CN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc xây dựng, khai thác các nguồn lực KH&CN cho phát triển kinh tế nông thôn luôn được chú trọng.

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, tỉnh đã ban hành một số văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cótrọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến và chuyển đổi số, coi đây là một trong những động lực và giải pháp cótính chất quyết định sự thành công của tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Triển khai các nghiên cứu khoa học nhằm từng bước hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, hướng tới xây dựng làng thông minh. Kết nối các nguồn lực chuyên gia, nhà khoa học cóchuyên môn giải quyết các vấn đề liên quan nông nghiệp, nông thôn, nông dân…

Để khai thác, phát triển các nguồn lực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh, theo ông Nguyễn Minh Châu, PhóGiám đốc KH&CN, trong thời gian tới ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tiếp tục nâng cao trình độ, hiệu quả công tác ứng dụng, chuyển giao KH&CN và đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động của thị trường KH&CN trong nông nghiệp. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn các nội dung liên quan đến tạo dựng, duy trì và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân thuộc Hội Nông dân phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất… Đồng thời, tạo cầu nối giữa cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, cung cấp thông tin KH&CN và đổi mới sáng tạo cho nông dân.

Ông Nguyễn Minh Châu, cho biết thêm những năm gần đây, Sở KH&CN đều cókế hoạch hỗ trợ truyền thông trong việc ứng dụng tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm lan tỏa thông tin về các giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến và thành tựu nghiên cứu cho phát triển kinh tế nông thôn.

 Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng KH&CN tiên tiến, nâng cao chất lượng giá trị gia tăng. Hội Nông dân tỉnh cũng sẽ chủ động phối hợp với doanh nghiệp, các đơn vị liên quan xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tham gia các chương trình, đề án phát triển thương mại điện tử, xem xét thử nghiệm sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo nông sản.

 PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên