Khai thác tiềm năng logistics: Cần đội ngũ nhân sự tương xứng, hành lang pháp lý ổn định

Cập nhật: 30-06-2016 | 07:46:19

Bình Dương là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và duy trì ổn định so với cả nước, lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế động lực có mức tăng trưởng cao nhất nước. Tuy không có cảng biển, trong khi đường sông lại bị giới hạn tải trọng bởi chiều cao thông tuyến của một số cây cầu, nhưng với năng lực thu hút đầu tư, tốc độ tăng trưởng cao được duy trì ổn định, Bình Dương là địa phương có số lượng kho bãi, dịch vụ vận chuyển chiếm trên 51% tổng nguồn cung kho bãi khu vực phía Nam - khu vực có tổng nguồn cung kho vận thuộc tốp đầu cả nước. Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đó không phải có nhiều tiền là thành công nếu thiếu đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, nhiệt huyết với hoạt động logistics (dịch vụ hậu cần - vận chuyển - thương mại).

Hoạt động logistics trọn khâu cấp độ 3PL tại ICD Tân Cảng Sóng Thần Ảnh: DUY CHÍ

Tiềm năng lớn

Dịch vụ logistics tuy mới xuất hiện ở Bình Dương nhưng đã làm tốt vai trò gắn kết giữa nhà sản xuất với thị trường nhờ hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại cùng với hệ thống cảng đường sông mới được đưa vào khai thác. Nhờ đó, dịch vụ này đã nhanh chóng hình thành hệ thống khu phi thuế quan (ICD, kho ngoại quan, kho CFS), hỗ trợ tích cực cho công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, đưa ra con số rất ấn tượng: Đến hết quý II-2015, tỉnh Bình Dương có 19.638 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 146.119 tỷ đồng, trên 2.550 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 21,5 tỷ USD. Cũng trong năm 2015, Cục Hải quan Bình Dương đã thực hiện vượt mốc 1,1 triệu tờ khai hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu trên 34 tỷ USD.

Theo Cục Hải quan Bình Dương, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 21 kho ngoại quan, 4 CFS (kho gom hàng lẻ), 2 ICD (cảng cạn) và 31 đại lý hải quan để cung cấp dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Hệ thống kho ngoại quan, kho CFS, ICD và đại lý thủ tục hải quan đã đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn hiện tại, trong đó có nhiều kho ngoại quan có hệ thống quản lý hiện đại, diện tích lớn nhất nước. Tuy nhiên, so với nhu cầu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì số lượng doanh nghiệp trong chuỗi dịch vụ logistics này chỉ đáp ứng về dịch vụ cơ bản từ 1PL đến 2PL và mới chỉ có 3 doanh nghiệp hoạt động đạt chuẩn 3PL. Nguyên nhân chính là do sự hạn chế về quy mô, năng lực quản trị của doanh nghiệp logistics; bên cạnh đó chưa có hiệp hội để bảo đảm tính gắn kết nên đôi khi tạo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh; trong khi hiện có một số hoạt động trong chuỗi logistics theo kiểu dịch vụ không hợp pháp…

Tuy không có cảng biển trực tiếp, đường sông lại bị giới hạn bởi độ tĩnh không của một số cầu lớn đã làm giới hạn tải trọng của tàu container không quá 2.000 tấn, nhưng tỉnh Bình Dương đã quy hoạch 9 cảng sông. Hiện đã có 4 cảng đi vào hoạt động là Cảng tổng hợp Bình Dương, cảng Thạnh Phước, cảng Bà Lụa và cảng An Sơn.

Ông Trần Trí Dũng, Phó Giám đốc ICD Tân Cảng Sóng Thần (TX.Thuận An), cho biết Việt Nam đang có mặt hầu hết các công ty logistics lớn trên thế giới, các công ty này cũng đang có mặt tại Bình Dương và chiếm lĩnh thị phần 3PL với mức lợi nhuận từ 15 - 35%. Tuy nhiên hiện nay, chi phí logistics của doanh nghiệp trong nước còn quá cao (trên 20%), lại có sự phân tán lớn và chưa có nhà cung cấp nào đủ sức chiếm lĩnh thị phần lớn nên chỉ tập trung vào phân khúc 1PL đến 2PL để làm nhà thầu phụ với tỷ suất lợi nhuận không quá 15%.

Xu hướng của thị trường

Tính cạnh tranh trên thị trường ngày càng diễn ra gay gắt, đòi hỏi các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và doanh nghiệp dịch vụ thương mại phải rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường để sớm thu về lợi nhuận, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Và đó cũng chính là yêu cầu mà khách hàng đặt ra với các nhà cung cấp dịch vụ logistics.

Ông Trần Trí Dũng cho biết khách hàng có xu hướng chọn nhà cung cấp trọn gói các hoạt động dịch vụ logistics, thay vì quản lý nhiều nhà cung cấp riêng lẻ nhằm giảm bớt gánh nặng về quản lý và đồng nhất về chất lượng dịch vụ. Do vậy, nhà cung cấp nào có thế mạnh về mạng lưới hạ tầng cơ sở, đa dạng về dịch vụ, được đầu tư hệ thống quản lý hiện đại, có thế mạnh về tài chính, nhất là thế mạnh nhân sự sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là lý do tại sao các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tham gia cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Phân tích về chuỗi dịch vụ logistics hiện nay, ông Phạm Văn Sô, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương kiêm Chủ tịch Hội Logistics tỉnh Bình Dương, cho biết chuỗi dịch vụ logistics hiện nay tạm chia làm 2 mảng lớn: Mảng trên bờ do doanh nghiệp trong nước chiếm ưu thế với trên 70% thị phần, nhưng chi phí lại quá cao nên tỷ suất lợi nhuận thấp; còn mảng dưới nước do doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị phần. Quá trình hội nhập tới đây thì sức cạnh tranh từ dưới nước sẽ lan tỏa lên bờ. Đó là vấn đề mà các doanh nghiệp logistics trong nước phải nhìn thấy.

Là doanh nghiệp khá thành công trên lĩnh vực logistics tại Bình Dương, ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc U&I Logistics (TX.Tân Uyên) tỏ ra lạc quan: “Tôi đồng ý là kinh doanh dịch vụ logistics không phải có nhiều tiền là làm được, mà phải có niềm đam mê cùng với đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, giàu chất logistics. U&I Logictics khởi đầu từ dịch vụ nhỏ nhưng bảo đảm uy tín, chất lượng; có lòng tin thì có khách hàng; có đội ngũ nhân sự tốt, chuyên nghiệp thì việc khó đến đâu cũng có thể giải quyết trên tinh thần hợp tác, tất cả cùng có lợi”.

Cần hành lang pháp lý ổn định

Với chủ trương tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể như Hải quan Bình Dương là một trong những đơn vị đi đầu của hải quan cả nước vận hành cơ chế thông quan một cửa quốc gia (Vnaccs/ Vsics) vừa an toàn, tiết kiệm vừa rất thuận lợi cho doanh nghiệp trong khai báo, làm thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, Hải quan Bình Dương còn trang bị máy soi container di động để giảm thời gian, chi phí kiểm tra, xếp dỡ hàng hóa; thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về chủ trương, chính sách, quy định mới của pháp luật… nhằm kịp thời điều chỉnh hoặc kiến nghị sửa đổi giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa…

Những năm qua, địa bàn tỉnh Bình Dương nói chung, lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa liên quan đến công tác hải quan nói riêng, được đánh giá là minh bạch, an toàn, hiệu quả. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực không ngừng của các cấp lãnh đạo địa phương, sự tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp và chấp nhận quy luật cạnh tranh theo hướng công bằng, sòng phẳng. Lãnh đạo một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cho biết để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thị trường logistics, ngoài nguồn lực kinh tế, có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp với lòng đam mê công việc thì hành lang pháp lý phải ổn định để ràng buộc, điều chỉnh các mối quan hệ trong khuôn khổ quy định của pháp luật. “Bình Dương là thị trường sôi động về xuất nhập khẩu nhưng không có cảng biển nên các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không được nhập khẩu trực tiếp theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ bằng công văn và được sự hướng dẫn của các bộ, ngành chuyên môn, một ICD ở Hà Nội lại được phép chuyển khẩu các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này tạo sự mất công bằng trong thực thi pháp luật”, vị lãnh đạo công ty này nói.

 

 DUY CHÍ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=720
Quay lên trên