Huyện Dầu Tiếng xác định tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh dịch vụ gắn với du lịch đúng quy định, nhằm bảo đảm phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Khu du lịch danh thắng núi Cậu - chùa Thái Sơn hấp dẫn du khách gần xa
Bảo tồn giá trị
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết xác định các nhiệm vụ trọng tâm, huyện ưu tiên triển khai thực hiện phát triển du lịch bền vững; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và địa phương. Huyện Dầu Tiếng phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các tiềm năng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, danh thắng và các sản phẩm du lịch sẵn có trên địa bàn.
Để thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, huyện tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm OCOP gắn chương trình phát triển du lịch nông thôn. Thực hiện chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, huyện khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ đặt tour, đặt phòng lưu trú, thanh toán, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch… Bên cạnh đó sử dụng nguồn thu từ du lịch để tái đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích, bảo vệ môi trường sinh thái; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ công chức quản lý nhà nước và cơ sở kinh doanh dịch vụ gắn du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
“Trong năm 2024, huyện Dầu Tiếng tiếp tục quảng bá và duy trì hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, danh thắng, du lịch tâm linh và sinh thái, phấn đấu thu hút khoảng 200.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Trong đó, khách trong tỉnh khoảng 30.000 lượt, ngoài tỉnh là 170.000 lượt, đưa du lịch địa phương phát triển một cách bền vững, xứng với tiềm năng”, ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.
Hấp dẫn du khách
Một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch địa phương đó chính là việc đẩy mạnh công tác kêu gọi, xã hội hóa trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, xây dựng các điểm bán các sản phẩm quà lưu niệm, điểm dừng chân gắn với phát triển du lịch.
Ngay trong những ngày đầu năm Giáp Thìn, mỗi ngày ước tính có hàng ngàn lượt du khách gần xa đến tham quan chùa Thái Sơn núi Cậu, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng. Nhiều du khách lần đầu đến đây đã ngỡ ngàng bởi không gian kiến trúc đẹp được bao bọc bởi khu rừng phòng hộ, soi mình xuống hồ Dầu Tiếng thơ mộng. Chị Nguyễn Thị Mai Liên, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh, cho biết lần đầu đến tham quan khu du lịch danh thắng núi Cậu - chùa Thái Sơn chị thật sự ấn tượng với không gian, kiến trúc ở đây. “Lần đầu đến đây tôi thấy cảnh quan rất gần gũi thiên nhiên, đi lại khá thuận lợi, vẻ đẹp hoang sơ hai bên đường tạo ấn tượng mạnh cho du khách. Theo tôi, đây sẽ là khu du lịch tâm linh, sinh thái thu hút đông du khách gần xa nếu được đầu tư xứng tầm”, chị Liên nói.
Tương tự, chia sẻ với chúng tôi, nhiều du khách gần xa đến khu du lịch danh thắng núi Cậu - chùa Thái Sơn cũng bất ngờ bởi Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp nhưng có danh thắng hoang sơ, thanh bình đến vậy. Bà Lê Thị Xinh, du khách đến từ tỉnh Tây Ninh chia sẻ thêm, đường đi lên chùa được sửa chữa, làm mới tạo thuận lợi cho phương tiện đi lại. Các hàng quán được tổ chức ngăn nắp, nề nếp. “Chúng tôi không còn thấy hiện tượng chèo kéo du khách tại đây, điều này đã tạo ấn tượng tốt đẹp hơn trong lòng du khách gần xa”, bà Xinh bày tỏ.
Theo người dân địa phương, các dịch vụ, hoạt động mua bán của các hộ dân hai bên đường lên khu du lịch đã đi vào nề nếp, cơ quan chức năng cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp chèo kéo, bán quá giá niêm yết… Để tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách, quảng bá hình ảnh đẹp cho khu du lịch, qua công tác tuyên truyền của địa phương, cơ quan quản lý, các hộ kinh doanh, dịch vụ cũng đã từng bước nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tôn tạo, chung sức để đưa du lịch địa phương phát triển.
Địa phương vận động các cơ sở kinh doanh tích cực đầu tư xây dựng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, hướng tới mục tiêu phục vụ nhiều đối tượng du khách. Huyện đang rà soát, triển khai các kế hoạch, lập hồ sơ quy hoạch, đầu tư các công trình theo dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ dẫn đến các khu, điểm du lịch. Trong đó phát triển hệ thống giao thông đường thủy, bến thủy nội địa tại các điểm tham quan, tạo điều kiện cho các tàu du lịch có thể cập bến”. (Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng) |
DUY KHANG - TÚ BÌNH