Khai thác tiềm năng, phát triển vận tải đường thủy nội địa

Cập nhật: 10-10-2020 | 07:38:51

Thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh, các sở, ngành chức năng, hệ thống giao thông đường thủy của tỉnh đã được đầu tư, nạo vét, khai thông, lắp đặt biển báo, tín hiệu... góp phần phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách trên các tuyến sông ngày càng an toàn, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp.


Cảng An Sơn trên tuyến sông Sài Gòn (TP.Thuận An), được đầu tư hiện đại góp phần thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy trên địa bàn tỉnh

Khơi thông tiềm năng

Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 tuyến sông quốc gia là Đồng Nai, Sài Gòn và 2 tuyến sông địa phương là Thị Tính, Sông Bé. Việc phát triển giao thông thủy ở Bình Dương những năm trước đây chưa được thuận lợi vì tuyến ngắn, sông Sài Gòn còn bị hạn chế bởi tĩnh không cầu Bình Lợi, cầu Phú Long. Sông Đồng Nai bị ảnh hưởng bởi tĩnh không của cầu Ghềnh và các bãi đá ngầm.

Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT), cho biết: “Để giảm tải cho hệ thống đường bộ và phát triển đường thủy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kiến nghị, đề xuất với Bộ GT-VT tháo gỡ những bất cập nhằm thúc đẩy phát triển giao thông thủy nội địa như phá dỡ các bãi đá ngầm trên sông Đồng Nai, nâng cao tĩnh không cầu Ghềnh, cầu Bình Lợi, cầu Phú Long, tạo điều kiện cho các phương tiện qua lại”.

Hiện trên 2 tuyến sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, các doanh nghiệp đã mạnh dạn xin chủ trương đầu tư các cảng sông, như: An Tây (100 ha), Thái Hòa (120 ha), Phú Cường, cảng cạn An Điền, Rạch Bắp, Thanh An, Thường Tân...; đồng thời mở rộng nâng cấp một số bến thủy nội địa lên thành cảng như cảng Vĩnh Phú, cảng kho xăng dầu Chánh Mỹ, cảng kho xăng dầu và gas Bình Thắng, cảng kho xăng dầu và gas Khánh Bình.

Toàn tỉnh hiện có 5 cảng hàng hóa, 3 bến tàu khách và 84 bến hàng hóa, mỗi năm lượng hàng hóa ra vào Bình Dương trên 100 triệu tấn bằng đường sông. Bộ GT-VT đã lên kế hoạch nâng cấp tuyến sông Sài Gòn từ cấp III lên cấp II, đây là thuận lợi rất lớn cho Bình Dương trong việc mở rộng, thúc đẩy phát triển mạng lưới tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Hiện cảng Thạnh Phước có tổng diện tích xây dựng 28 ha, bao gồm 8 cầu cảng, công suất bốc dỡ đạt bình quân 5 triệu tấn/năm. Cảng An Sơn có tổng diện tích xây dựng 16 ha, công suất bốc dỡ đạt bình quân 20 triệu tấn/năm.

Theo đánh giá của Sở GT-VT, từ khi Bộ GT-VT nâng tĩnh không các cầu trên sông Sài Gòn và nạo vét, phá dỡ các chướng ngại vật, đá ngầm dưới sông Đồng Nai để tàu thuyền vận chuyển thuận tiện, tình hình hoạt động của các cảng, bến thủy nội địa và các tuyến tàu khách du lịch thuận lợi hơn. Cụ thể, Cảng Tổng hợp Bình Dương do Công ty CP Cảng Bình Dương khai thác tiếp nhận vận chuyển container; Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ - TNHH MTV Sửa chữa, trang bị nâng cấp Cảng An Sơn để phục vụ tiếp nhận hàng hóa; Công ty CP Thế giới Nhà khai thác Cảng Thế Giới Nhà bốc dỡ vật liệu xây dựng; Công ty CP cảng Thạnh Phước khai thác Cảng Thạnh Phước chủ yếu là hàng nông sản.

Tình hình hoạt động các bến thủy nội địa cũng có chuyển biến hơn, 55 bến thủy đã được các chủ đầu tư nâng cấp, được Sở GT-VT cấp lại giấy phép hoạt động, 18 bến đang đầu tư xây dựng để đạt chuẩn và 11 bến trên nhánh sông cù lao Rùa chưa được cấp giấy phép hoạt động; khai trương đưa vào sử dụng tuyến tàu du lịch đường sông Bạch Đằng (TP.Hồ Chí Minh) - Thủ Dầu Một - Củ Chi - đình Bến Dược.

Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Xác định hệ thống cảng, vận tải đường thủy nội địa sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển giao thông của tỉnh, năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, hiện Sở GT-VT Bình Dương cùng với Sở GT-VT TP.Hồ Chí Minh mở tuyến du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn, từ tháng 7-2020. Sở GT-VT phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương tạo điều kiện phát triển du lịch. Đến nay, tuyến khách hoạt động ngày càng thu hút người dân, du khách lựa chọn để di chuyển.

Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở GT-VT, cho biết thêm hiện Sở GT-VT đang tập trung triển khai quy hoạch chi tiết hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sở GT-VT tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13-5-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 24-2-2020 về quy định quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

“Để thực hiện, Sở GT-VT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách huy động nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng, huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; chú trọng đặc biệt đến việc khuyến khích và đa dạng hóa các hình thức huy động vốn từ các thành phần kinh tế trong tỉnh làm nền tảng đối tác, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đối với xây dựng cảng thủy nội địa; tận dụng nhiều nguồn vốn có thể để xây dựng phát triển giao thông, cân đối đầu tư cho giao thông vận tải đường thủy phù hợp với quy hoạch từng giai đoạn”, ông Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ về phương hướng để thúc đẩy phát triển hệ thống vận tải đường thủy trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1892
Quay lên trên