Khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ - Kỳ 2

Cập nhật: 21-03-2023 | 08:21:50

Kỳ 2: Hợp tác vì mục tiêu chung

 Trên thực tế, chính sách phát triển vùng Đông Nam bộ đã được nêu rõ tại Nghị quyết 24 với nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên, thời gian tới rất cần sự chủ động của các địa phương trong việc tăng liên kết, đề xuất Trung ương tạo điều kiện cho vùng thông qua những cơ chế thoáng.

 Doanh nghiệp Bình Dương và các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ tham dự chương trình kết nối, hợp tác vừa diễn ra tại Bình Phước

 Hành động sáng tạo

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, nhấn mạnh hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển lần này thực chất là để triển khai Nghị quyết số 24- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong thời gian tới, để việc liên kết vùng hiệu quả hơn cần các yếu tố như tổ chức, cơ chế, nguồn lực và thống nhất quan điểm của các địa phương trong vùng.

Ông Nguyễn Văn Nên cũng chỉ ra những hạn chế của các địa phương trong vùng. “Lãnh đạo chính quyền các địa phương trong vùng Đông Nam bộ chưa đặt sự quan tâm đúng mức, chỉ đạo sâu sát trong việc thực hiện chương trình hợp tác, dẫn đến việc liên kết trên một số lĩnh vực còn có những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thời gian dài nhưng chậm được tháo gỡ. Hợp tác kinh tế - xã hội phải toàn diện nhưng còn quá dàn trải trên nhiều ngành, lĩnh vực, không xác định lĩnh vực nào là trọng tâm, là đột phá dẫn đến không tận dụng được thế mạnh của từng địa phương”, ông Nguyễn Văn Nên đánh giá.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, từng địa phương, nhất là TP.Hồ Chí Minh phải chủ động vượt qua chính mình, có tinh thần trách nhiệm với nhau, không câu nệ thời gian, không giới hạn không gian. Liên kết vùng là trách nhiệm chung, vì lợi ích, sự phát triển của vùng cần chung tay hành động. TP.Hồ Chí Minh cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nhanh chóng hoàn thiện những cơ chế vượt trội không chỉ với thành phố mà cả vùng Đông Nam bộ để trình Quốc hội. UBND các tỉnh chuẩn bị hoàn thiện quy chế hoạt động, tăng cường kết nối dữ liệu số để giải quyết vướng mắc, khó khăn. Hội đồng vùng cần phải có cơ chế hoạt động và thành lập Quỹ giải quyết vấn đề của vùng là cần thiết.

Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định: “Bộ KH-ĐT chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng vùng do một Phó Thủ tướng làm chủ tịch, điều phối vùng để liên kết trong 8 lĩnh vực quan trọng. Do vậy, đề nghị TP.Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng Đông Nam bộ phối hợp tích cực với Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành triển khai hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Thành lập Quỹ phát triển hạ tầng

Ông Nguyễn Văn Nên cũng cho biết trong 7 lĩnh vực đưa ra, hạ tầng giao thông rất quan trọng, hạ tầng đi trước, doanh nghiệp đi theo. Ngoài cơ chế đặc thù hoạt động, vùng cần xây dựng Quỹ phát triển hạ tầng giao thông để có kinh phí, ngân sách đầu tư đường, dự án liên vùng, kết nối từ các địa phương đến TP.Hồ Chí Minh, liên kết các tỉnh, thành trong khu vực. Mỗi địa phương cần có một Phó Chủ tịch UBND làm thường trực hội đồng nhằm đốc thúc công việc liên kết vùng. Lãnh đạo các tỉnh cũng thống nhất Đông Nam bộ phải có quỹ để phát triển giao thông kết nối.

Đồng quan điểm, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết việc thành lập quỹ phần nào sẽ giúp vùng sớm đầu tư hạ tầng khi kinh phí từ Trung ương phân bổ về không kịp tốc độ phát triển của vùng. “Quỹ có thể từ ngân sách các địa phương, Trung ương, vốn vay, xã hội hóa...”, ông Võ Văn Minh đề xuất. Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, kiến nghị thêm nguồn lực đầu tư từ Trung ương dành cho các địa phương trong vùng chưa đến 20% tổng vốn đầu tư cả nước cũng là trở ngại để xây dựng hạ tầng.

Có mặt tham dự hội nghị, ông Huỳnh Thành Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sikico Bình Phước, cho rằng vùng kinh tế Đông Nam bộ rất năng động, TP.Hồ Chí Minh có vai trò nòng cốt và các tỉnh lân cận là vệ tinh đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Khi các địa phương, doanh nghiệp gắn kết, liên kết mạnh mẽ sẽ tạo nên không gian rộng lớn để cùng nhau phát triển, xứng tầm với vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, cũng đề nghị các tỉnh và doanh nghiệp trong quá trình liên kết phát triển phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và của TP.Hồ Chí Minh. Việc hợp tác cần có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu của từng địa phương, doanh nghiệp có lợi thế để tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng.

 Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi: TP.Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng bản thỏa thuận hợp tác với vùng Đông Nam bộ bao gồm 7 lĩnh vực, nội dung: Công tác quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; lĩnh vực môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực; khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, có những nội dung hợp tác song phương giữa TP.Hồ Chí Minh với từng tỉnh trong vùng Đông Nam bộ.

 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh: Trung ương cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng để sớm hoàn thiện kết nối đa phương thức, gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt để hỗ trợ vận tải hàng hóa, hành khách; đặc biệt ưu tiên kết nối mới bằng đường sắt đô thị với các tuyến từ Bình Dương vào trung tâm TP.Hồ Chí Minh, sân bay Tân Sơn Nhất, theo hướng nối dài mạng lưới đường sắt trung tâm TP.Hồ Chí Minh ra cả vùng. Thông qua đó mở rộng không gian phát triển về nguồn nhân lực, dịch vụ thương mại, du lịch, khoa học công nghệ...

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên