Khai thác tốt dư địa để phát triển hài hòa, bền vững

Cập nhật: 21-12-2022 | 08:27:21

 Tại Hội thảo Quy hoạch đầu kỳ tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 mới đây, lãnh đạo tỉnh đã lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ những định hướng phát triển trong thời kỳ mới. Tiêu biểu trong số này, có hai luận điểm nhận được sự đồng thuận cao là: “khai thác dư địa phía bắc để giải quyết những khó khăn, thách thức ở các đô thị phía nam và phát triển bền vững” và “quy hoạch các đô thị phía nam trở thành vùng đất đáng sống”.

 Huyện Bàu Bàng với hệ thống hạ tầng được đầu tư xứng tầm được kỳ vọng sẽ trở thành đô thị kiểu mẫu trong thời kỳ mới của tỉnh

 Còn nhiều dư địa

Phát biểu tại hội thảo, thạc sĩ - kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), cho rằng các đô thị phía nam của tỉnh Bình Dương đang có dấu hiệu quá tải. Tỉnh cần có hướng quy hoạch, điều phối bảo đảm sự cân đối, hài hòa để tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới. Theo đó, kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm cho rằng ưu tiên số một hiện nay của tỉnh là khai thác tốt dư địa, tiềm năng của các địa phương phía bắc để giải quyết những vấn đề ở phía nam. Sớm vẽ lại bức tranh công nghiệp theo hướng phát triển cân đối, hài hòa.

Sau khi lắng nghe những chuyên đề, ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó trưởng ban Chỉ đạo lập Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, cho rằng việc sử dụng dư địa phía bắc để giải quyết bài toán của các đô thị phía nam là định hướng đúng đắn. Ông Nguyễn Hoàng Thao cho biết đây cũng là một trong những nhiệm vụ mang tính chiến lược của tỉnh, được toàn thể hệ thống chính trị nhất trí, đồng lòng và thể hiện sự quyết tâm thực hiện.

Cụ thể, tỉnh xác định giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 sẽ vẽ lại bức tranh công nghiệp theo hướng phù hợp, khoa học hơn. Trong thời gian này, tỉnh sẽ thực hiện song song hai nhiệm vụ, bao gồm: Tổ chức tái cơ cấu công nghiệp bằng cách di dời các nhà máy, xí nghiệp từ các đô thị phía nam lên các địa phương phía bắc theo đúng quy hoạch; đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư các mô hình kinh tế chất lượng cao vào các khu đô thị phía nam.

Các địa phương sẵn sàng

Vào những ngày cuối năm, trở lại các địa phương phía bắc của tỉnh chúng tôi ghi nhận sự thay đổi mạnh của những vùng đất này. Theo đó, các địa phương đã căn cứ theo quy hoạch, chủ trương của tỉnh chủ động đầu tư hệ thống hạ tầng phù hợp, sẵn sàng phối hợp tổ chức, tiếp nhận các nhà máy, xí nghiệp từ các đô thị phía nam di dời về. Khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề, nhịp độ thi công các công trình đầu tư công ở các huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên… cũng được đẩy nhanh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết hiện nay địa phương đang bám theo quy hoạch của tỉnh để xây dựng quy hoạch riêng của Bàu Bàng bảo đảm phù hợp, hài hòa. Ngoài ra, thời gian qua huyện cũng kết hợp với các chủ đầu tư phân tích kỹ lưỡng về tiềm năng, lợi thế và đưa ra những định hướng phát triển phù hợp. Mục tiêu của huyện là đến năm 2030 cơ bản trở thành một đô thị phát triển hài hóa theo hướng: Công nghiệp - thương mại dịch vụ - đô thị hiện đại.

Với lợi thế các hệ thống nhà máy, xí nghiệp gắn liền các khu dân cư kế cận đã hình thành và hoạt động ổn định, lĩnh vực kinh tế thương mại - dịch vụ ở huyện Bàu Bàng cũng đang có xu hướng tăng trưởng mạnh. Các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực siêu thị, phân phối, kinh doanh bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ chất lượng cao cũng đã đến khảo sát, tìm hiểu và sẽ sớm đầu tư vào đây. Theo đánh giá của lãnh đạo huyện, dự kiến trong khoảng 3 năm tới thương mại - dịch vụ của huyện Bàu Bàng sẽ phát triển mạnh, đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dân.

Dù xác định hướng phát triển chính là nông nghiệp gắn liền du lịch, nhưng những năm qua huyện Dầu Tiếng chủ động quy hoạch hệ thống khu, cụm công nghiệp theo hướng cân đối, hài hòa. Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết ngoài nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền phát triển du lịch, thời gian tới huyện cũng sẽ phối hợp, tiếp nhận một số nhà máy, xí nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến mủ cao su, chế biến gỗ, chế biến súc sản… Việc phát triển công nghiệp ở lĩnh vực này sẽ giúp địa phương khai thác tốt tiềm năng, lợi thế. Qua đó, giúp thu hút dân cư để tiếp tục hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương Dầu Tiếng trở thành đô thị hiện đại.

Huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên với lợi thế to lớn về phát triển các vùng cây ăn trái đặc sản cũng dự kiến sẽ phát triển công nghiệp chế biến nông sản phục vụ mục đích xuất khẩu. Những năm gần đây, các địa phương này thể hiện quyết tâm cao trong việc kiên trì xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững. Đây sẽ là nền tảng cơ bản giúp các đề án phát triển mô hình làng thông minh gắn liền du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái ven tuyến sông Đồng Nai có cơ hội phát triển mạnh trong tương lai.

 Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự hỗ trợ xứng tầm của tỉnh và sự tin tưởng lớn của các nhà đầu tư, huyện Bàu Bàng được đánh giá sẽ sớm phát triển và trở thành một đô thị kiểu mẫu trong thời gian tới. Các chuyên gia quy hoạch cũng gọi huyện Bàu Bàng với cái tên gần gũi, xứng tầm là “thành phố mới Bình Dương 2”.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên