Khám chữa bệnh chuyên sâu, ứng phó với mô hình bệnh tật thay đổi
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, mô hình bệnh tật trên địa bàn tỉnh đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, việc thành lập các bệnh viện chuyên khoa mới, phát triển các cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu, là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Các nhóm bệnh đang gia tăng mạnh
Hiện mô hình bệnh tật trên địa bàn tỉnh đang có sự thay đổi, cùng với các dịch bệnh mới nổi xuất hiện, diễn biến phức tạp thì tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm cũng ngày càng gia tăng.
Thống kê từ năm 2016 đến nay, một số nhóm bệnh gia tăng mạnh về số lượt khám và điều trị bệnh, trong đó, nhóm bệnh chấn thương chỉnh hình, tuần hoàn tăng gấp 1,56 lần. Nhóm bệnh nhiệt đới (truyền nhiễm, lao, bệnh phổi) tăng gấp 2 lần. Nhóm bệnh nội tiết - dinh dưỡng - chuyển hóa tăng khoảng 2,4 lần. Nhóm bệnh tâm thần, ung bướu tăng hơn 4 lần. Nhóm bệnh sản - nhi tăng 3,7 lần. Trong khi đó các nhóm bệnh như: Tai mũi họng, tim mạch, nội tiết - dinh dưỡng - chuyển hóa, sản - nhi, nhiệt đới (truyền nhiễm - lao - bệnh phổi) đều có số lượt khám trên 50.000 lượt người/năm. Số lượt điều trị nội trú của các nhóm bệnh sản - nhi cao nhất, trên 40.000 lượt/ năm. Các nhóm bệnh có trên 20.000 lượt người khám trong năm gồm: Nhóm bệnh nhiệt đới (truyền nhiễm, lao, bệnh phổi), chấn thương chỉnh hình, tim mạch. Trong khi các nhóm bệnh khác chỉ dưới 2.000 lượt người khám/năm.
Tính đến nay, dân số trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 2,8 triệu người, tăng hơn 1,32 lần so với năm 2016, từ đó kéo theo mức độ gia tăng số lượt người khám chữa bệnh và điều trị nội trú trên 1,5 lần. Tổng số lượt khám chữa các loại bệnh sản - nhi khá cao phù hợp với địa phương có khu vực kinh tế phát triển, đa số trong độ tuổi lao động, dân số trẻ.
Mặc dù trên địa bàn tỉnh có 2 bệnh viện ngoài công lập chuyên khoa sản nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Cùng với nhóm bệnh sản - nhi, nhóm bệnh truyền nhiễm cũng là những bệnh lý phổ biến, có lượt khám chữa bệnh cao tại các cơ sở y tế.
Xu hướng hiện nay số lượng bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần, tâm lý ngày càng tăng nhanh, nên việc thành lập mới bệnh viện tâm thần là rất cần thiết. Ngoài ra, các chuyên khoa: Da liễu - thẩm mỹ, mắt... cũng có số lượt người khám chữa bệnh tăng nhanh trong những năm gần đây.
Phát triển cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu
Với quan điểm phát triển mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, Bình Dương tiếp tục đầu tư, phát triển và mở rộng quy mô của các cơ sở y tế. Tỉnh xem xét mở rộng hệ thống bệnh viện chuyên khoa ung bướu, tim mạch, lão khoa, phụ sản/sản nhi, chấn thương chỉnh hình và hệ thống bệnh viện chăm sóc dài hạn.
Quan điểm của tỉnh là phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu trong các bệnh viện đa khoa hạng 1 có các cơ sở y tế hiện đại ngang tầm một số nước có nền kinh tế phát triển. Một số cơ sở y tế thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật có trình độ tiên tiến của thế giới. “Ngoài Bệnh viện 1.500 giường sẽ phấn đấu phát triển thành bệnh viện cấp chuyên sâu, tỉnh chủ trương phát triển các chuyên khoa kỹ thuật cao, hiện đại như: Tim mạch, chấn thương chỉnh hình, ung bướu, lão khoa, ngoại khoa sẽ phát triển ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Tiến tới, tỉnh sẽ thành lập các trung tâm chuyên môn sâu như: Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Trung tâm Ung bướu và Trung tâm cấp cứu ngoại viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tỉnh cũng đang nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các mô hình mới để chuyển đổi hình thức hoạt động các khoa tâm thần, khoa nhiệt đới, khoa sản khoa nhi, nếu đủ điều kiện thì có thể triển khai thành lập mới các bệnh viện chuyên khoa này vì đây là các chuyên ngành khó thu hút xã hội hóa”- TS. Nguyễn Hồng Chương cho biết thêm.
Cụm y tế cạnh Bệnh viện 1.500 giường tại phường Định Hòa, Thủ Dầu Một đã được quy hoạch thành 3 bệnh viện với diện tích 9,5 ha (bệnh viện nhi, phục hồi chức năng và ung bướu). Tỉnh sẽ điều chỉnh quy hoạch để thành lập mới các bệnh viện như: Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền - phục hồi chức năng và Bệnh viện Ung bướu.
Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu đất phát triển hạ tầng ngành y tế cần khoảng 200 ha, bao gồm cả đất xây dựng các cơ sở y tế và đất xây dựng các trường đại học y dược). Sau năm 2030 tỉnh sẽ khởi công, đưa vào hoạt động các bệnh viện cấp chuyên sâu 2.000 giường, một số bệnh viện chuyên khoa cấp chuyên sâu của vùng (chấn thương chỉnh hình, tim mạch). Định hướng phát triển của tỉnh có thể cung ứng dịch vụ đạt tiêu chuẩn bệnh viện tuyến Trung ương để phục vụ cho người dân vùng Đông Nam bộ.
TS. Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, chia sẻ: “Trên mô hình bệnh tật trong thời gian qua và xu hướng của các bệnh mới trong thời gian tới, ngành y tế nhận thấy việc bố trí các cơ sở khám chữa bệnh như hiện tại không thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người dân. Việc thành lập các bệnh viện chuyên khoa mới là cần thiết để có thể phát triển các cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu”. |
KIM HÀ