Khám phá Di tích Quốc gia Đặc biệt đình Đình Bảng ở Bắc Ninh
(BDO) Trải qua gần 300 năm tồn tại, đình Đình Bảng vẫn còn bảo lưu nguyên vẹn từ mặt bằng, chất liệu, kết cấu, điêu khắc trang trí… là một trong những di sản văn hóa đặc sắc của người dân Bắc Ninh.
Đình Đình Bảng, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Nơi đây còn vinh dự được Bác Hồ về thăm 2 lần.
Vừa qua, ngôi đình được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt, qua đó, một lần nữa khẳng định giá trị trường tồn của di tích này.
Công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo
Đình Đình Bảng xưa thuộc tổng Phù Lưu, phủ Từ Sơn, nay thuộc phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi đình là công trình văn hóa, tín ngưỡng được xây dựng vào đầu thế kỷ 18 với kiến trúc bề thế, trang trí chạm khắc tinh xảo.
Trải qua gần 300 năm tồn tại, đình Đình Bảng vẫn còn bảo lưu nguyên vẹn từ mặt bằng, chất liệu, kết cấu, điêu khắc trang trí… là một trong những di sản văn hóa đặc sắc của người dân xứ Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Theo người dân địa phương kể lại, ông Nguyễn Thạc Lượng, người con quê hương Đình Bảng, làm quan tại Thanh Hóa, trước khi về vui thú điền viên mua gỗ lim đưa về Đình Bảng cung tiến cho làng để dựng đình.
Bên cạnh đó, để có được ngôi đình còn có công lao đóng góp của nhân dân địa phương về sức người, tiền của, được xây dựng bởi những người thợ có bàn tay tài hoa trong hàng chục năm.
Ông Nguyễn Danh Mã, Trưởng Ban Quản lý di tích đình Đình Bảng cho biết đình được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Công gồm Đại bái, Ống muống và Hậu cung, trong đó, Đại bái là nơi tập trung các giá trị kiến trúc, nghệ thuật của ngôi đình.
Trên các thành phần kiến trúc như vì nóc, vì nách, đầu dư, ván nong, xà thượng, xà trung, xà hạ... đều được chạm khắc công phu, chi tiết với kỹ thuật chạm thủng, chạm lộng, chạm bong kênh các đề tài khác nhau về các hình tượng rồng, phượng, lân, ngựa, các hoa văn nền gấm chữ Vạn, hoa văn vân xoắn lớn.
Tòa Đại bái quy mô đồ sộ 5 gian, 2 chái, 2 dĩ sử dụng kiến trúc chồng rường vừa tạo ra diện tích để nghệ nhân trang trí, vừa kết hợp với các xà để giữ cột. Cho đến nay còn rất ít các ngôi đình giữ được đồng bộ hệ thống sàn gỗ từ Đại bái đến Hậu cung như đình Đình Bảng.
Theo bà Lê Thị Thanh Thư, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh, xét về điêu khắc trang trí, có thể nói đình Đình Bảng được ví như bảo tàng về chạm khắc gỗ thế kỷ 18.
Trong số đó hình tượng rồng xuất hiện nhiều nhất, trên các ván gió, vì nách, đầu dư, bẩy hiên, chốt bẩy… với hàng trăm con rồng được tạo tác khác nhau. Rồng điển hình ở đình Đình Bảng có vẩy, sừng ngắn, tai vểnh như cánh chim nhỏ, mắt tròn lồi, miệng rộng loe, môi dày với góc nhìn chính diện hoặc quay 2/3 đầu ra ngoài mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18 có sự nối tiếp phong cách nghệ thuật thế kỷ 17.
Đặc biệt kỹ thuật chạm lộng cầu kỳ nhất phải kể đến 12 chiếc đầu dư ở 12 cột cái ở 5 gian chính tòa Đại bái. Mỗi đầu dư là một con rồng. Qua bàn tay khéo kéo của người thợ tạo cảm giác những chiếc đầu dư là một yếu tố để trang trí chứ không phải thực hiện chức năng của một đầu dư.
Ngoài những hình tượng rồng được chạm khắc chủ yếu còn có những mảng chạm phượng, nghê, ngựa.
Cùng với các hạng mục trang trí, bước vào lòng đình, du khách có thể được thỏa sức chiêm ngưỡng bức cửa võng lớn bắt đầu từ xà thượng dài xuống mặt sàn, trải rộng hết một gian đình 3,7m.
Tầng nào của cửa võng cũng được chạm khắc cầu kỳ, tinh tế với nhiều hình khối nghệ thuật, biểu tượng chữ triện, chữ công, lá lật, lá sòi, cánh sen, "tứ linh", "tứ quý", ngựa và sư tử.
Có thể nói điều làm nên vẻ đẹp ấn tượng của đình Đình Bảng là 4 góc đao cong trên mái đình. Góc đao cong trong kiến trúc đình làng đã trở thành đặc trưng của kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Nhưng đình Đình Bảng có các tàu mái uốn cong nhẹ nhàng, đoạn cuối uốn cong vút tạo thành 4 góc đao thanh thoát.
Các cụ cao niên ở Đình Bảng rất tự hào về bốn góc đao đồ sộ mà vẫn không cần con sơn đỡ bẩy.Trải qua hàng trăm năm cùng với tác động của thời gian, thiên nhiên, ảnh hưởng của chiến tranh, ngôi đình được trùng tu, tôn tạo nhiều lần.
Đến nay, ngôi đình vẫn giữ được nét nguyên sơ, cổ kính cùng với những giá trị kiến trúc nghệ thuật của công trình triều Lê Trung Hưng. Đình Đình Bảng đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích Quốc gia đợt 1, Quyết định số 313-VH/VP ngày 28-4-1962.
Ngôi đình 2 lần đón Bác Hồ về thăm
Cùng với giá trị kiến trúc nghệ thuật, đình Đình Bảng còn gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng được lưu giữ trong tài liệu 18 lần Bác Hồ về thăm Bắc Ninh, cuốn Lịch sử Đảng bộ phường Đình Bảng.
Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, đồng chí Lê Quang Đạo (một nhà hoạt động cách mạng chân chính, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước; nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quê tại Đình Bảng) đã tổ chức nhiều cuộc nói chuyện với nhân dân Đình Bảng về cách mạng giải phóng dân tộc và vận động nhân dân tham gia các lớp bình dân học vụ.
Chiều 18-8-1945, cũng tại nơi đây đã diễn ra lễ thành lập chính quyền cách mạng lâm thời Đình Bảng. Từ đây, du kích địa phương và nhân dân đã kéo lên cướp chính quyền ở phủ Từ Sơn.
Sau thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội khóa 1, xã Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng) được Trung ương chọn làm địa điểm dự bị họp Quốc hội.
Đặc biệt, tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về đình Đình Bảng - địa điểm dự bị để họp phiên đầu tiên Quốc hội khóa 1.
Tháng 10/1946, Bác Hồ về đình Đình Bảng và thăm cụ Nguyễn Phụ Doãn, người cao tuổi nhất trong làng. Khi Bác Hồ về đình Đình Bảng, đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân Đình Bảng tưng bừng phấn khởi và biểu thị sự quyết tâm ủng hộ, giúp đỡ Chính phủ.
Trong kháng chiến chống Pháp, quân giặc đã dùng xe tăng, xích sắt quấn vào cột đình nhằm kéo đổ tòa đình chính. Một lần khác chúng dùng mìn, bộc phá và thuốc nổ quấn quanh các cột đình nhằm phá hủy đình nhưng người dân nơi đây đã đấu tranh quyết liệt bảo vệ ngôi đình.
Không chỉ có ý nghĩa là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, cũng giống như các ngôi đình khác, đình Đình Bảng còn là nơi thờ Cao Sơn đại vương (Thần núi), Thủy Bá đại vương (Thần sông) và Bạch Lệ đại vương (Thần nông).
Ngoài ra đình còn phối thờ 6 vị Tổ có công lập làng vào thời Lê Sơ; là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.
Tự hào truyền thống lịch sử địa phương, người dân Đình Bảng vẫn luôn gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của địa phương; giá trị đình Đình Bảng.
Theo ông Nguyễn Danh Mã, người dân địa phương vẫn tuyên truyền, giáo dục con cháu truyền thống quý báu của địa phương và giá trị độc đáo của ngôi đình.
Ban Quản lý di tích đình Đình Bảng gồm 19 thành viên là các hội viên Hội người cao tuổi trong phường, phân công nhau thường xuyên túc trực tại đình để chăm nom, dọn dẹp, giới thiệu giá trị di tích khi có khác đến tham quan.
Với những giá trị độc đáo, hằng năm, ngôi đình vinh dự đón tiếp hàng trăm đoàn với hơn 10.000 du khách, học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu, trong đó có hơn 1.000 khách nước ngoài đến tìm hiểu.
Ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh khẳng định việc đình Đình Bảng được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt là niềm tự hào và trách nhiệm của chính quyền và nhân dân Bắc Ninh nói chung và Đình Bảng nói riêng. Qua đó, một lần nữa khẳng định giá trị to lớn của di tích.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh, năm 2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định về việc ban hành Quy định về quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Căn cứ vào quyết định này, phường Đình Bảng đã thành lập Ban Quản lý đình, định kỳ 3 năm kiện toàn lại một lần.
Cùng với đó, tổ hướng dẫn viên của đền Đô (phường Đình Bảng) thực hiện công tác thuyết minh tại các di tích tiêu biểu trên địa bàn phường, trong đó có đình Đình Bảng.
“Đình Đình Bảng là công trình có kiến trúc bằng gỗ. Tỉnh xây dựng phương án chủ động phòng, chống cháy nổ, trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy chuyên dụng; yêu cầu không thắp hương, đèn, nến… khi không có người thường trực tại di tích; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện và các thiết bị điện; thường xuyên quan tâm đến công tác phòng, chống mối mọt cho di tích.
Bên cạnh đó, đây là công trình kiến trúc và điêu khắc tiêu biểu của nền nghệ thuật điêu khắc đầu thế kỷ 18, do vậy thời gian tới cần lắp đặt hệ thống ánh sáng, đèn chiếu phù hợp để phục vụ du khách đến tham quan di tích có thể được quan sát rõ hơn các mảng chạm, đặc biệt tại tòa Đại bái…”, ông Nguyễn Văn Đáp nhấn mạnh./.
Theo TTXVN