Khám phá những câu chuyện thú vị về ngôi đình đẹp nhất nhì Nam kỳ

Cập nhật: 09-06-2023 | 22:24:53

“Đình thần phong cảnh tốt thay/ Trong rạch Bà Lụa ngoài này đại giang/ Nền cao thấp bước tợ thang/ Trong gian chánh điện nghiêm trang phụng thờ”. Đó là những câu thơ do tác giả Nguyễn Liên Phong giới thiệu về phong cảnh đẹp cũng như kiến trúc bề thế, trang nghiêm của đình thần Phú Cường (đình thần Bà Lụa) trong “Nam kỳ phong tục, nhân vật diễn ca”.

Đình thần Phú Cường sở hữu một vẻ đẹp đậm chất kiến trúc theo phong cách đình miếu Nam bộ

Tọa lạc tại phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một), đình Phú Cường nằm ở bờ bắc rạch Bà Lụa (sông Sài Gòn), sở hữu một vẻ đẹp đậm chất kiến trúc theo phong cách đình miếu Nam bộ. Vì vậy, cái tên đình Bà Lụa mới được phổ biến rộng rãi. Đây là ngôi đình thờ thành hoàng làng Phú Cường, ra đời từ rất sớm ở Thủ Dầu Một. Trải qua nhiều lần tu sửa, hiện nay đình Bà Lụa dù không còn nguyên gốc so với trước đây, đặc biệt lần xây dựng lại năm 1957 đã thay đổi kiến trúc ngôi đình xưa, tuy nhiên qua tư liệu và truyền khẩu dân gian cho thấy đây là một ngôi đình đẹp nhất nhì Nam kỳ thời ấy. Bởi ngôi đình có kiến trúc độc đáo với những mảng hoa văn ghép bằng sơn mài rồng, binh khí cổ kính, những cột gỗ to đẹp và quý.

Chánh điện đình được xây dựng trên một nền cao, kiến trúc theo kiểu truyền thống xưa với ba gian nhà liền mái theo kiểu chữ Tam; kèo, cột, xuyên, trính đều được đúc bằng xi măng. Gian trong cùng của Chánh điện gọi là Chánh tẩm hay Hậu cung thờ vị Chánh thần, tức thần Thành Hoàng. Hai bên là khảm thờ tả bang, hữu bang. Đối diện với bàn thờ thần là hương án. Ở gian chính còn có những tấm hoành phi, câu đối tạo sự trang nghiêm cho nơi thờ phụng. Gian giữa là gian tiền tế, để lễ vật lên cúng thần và là nơi đọc văn tế trong dịp tế lễ… Gian tiền tế còn có cặp đài bằng gỗ chạm hình tứ linh do ông Phó tổng Tổng Bình Điền cúng vào năm Giáp Thìn (1904). Gian ngoài cùng gọi là Hội đồng ngoại có am thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Hai bên Chánh điện có Đông lang dành cho bá tánh nam nữ hội họp và khu nhà kho. Trước sân đình là bình phong long hổ, bàn thờ thần Nông. Hai bên thờ tả hộ vệ, hữu hộ vệ.

Mặc dù không giữ được nguyên mẫu kiến trúc của ngôi đình xưa, nhưng đình thần Phú Cường ngày nay vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa làng quê xưa, là nơi để người dân địa phương tìm về với văn hóa truyền thống. Hàng năm, đình có 2 dịp lễ, đó là lễ Kỳ yên được tổ chức vào ngày 11 tháng giêng và lễ Thu tế để báo cáo kết quả thu hoạch mùa màng được tổ chức vào ngày 1-10 âm lịch. Vào những dịp này, ngoài người dân địa phương, đông đảo người dân ở các vùng lân cận cũng tề tựu đến tham dự lễ hội của đình. Với những giá trị gắn liền với ngôi đình cổ này, ngày 2-6-2004, UBND tỉnh đã ra quyết định xếp hạng công nhận đình thần Phú Cường là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đến nay, có rất nhiều giai thoại về ngôi đình tuyệt đẹp từng tồn tại, đặc biệt là thông tin về một phiên bản đình tại Pháp như truyền tụng của người dân địa phương là khá thú vị. Để hiểu rõ hơn về những giai thoại của đình Bà Lụa, cũng như tại sao dân gian lại truyền khẩu đây là ngôi đình đẹp nhất nhì Nam kỳ…, mời quý độc giả đón xem tập tiếp theo của chương trình “Tôi yêu Bình Dương”. Chương trình do Báo Bình Dương thực hiện sẽ phát vào lúc 6 giờ sáng chủ nhật ngày 11-6 tại địa chỉ: baobinhduong.vn.

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết
Tags
Nam kỳ

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=465
Quay lên trên