Khẩn trương rà soát, xử lý ngay vướng mắc về thể chế hỗ trợ doanh nghiệp

Cập nhật: 09-08-2024 | 16:38:51

Mặc dù, kinh tế Việt Nam thời gian qua được đánh giá có nhiều điểm sáng, nhưng trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dự báo còn khó khăn khi việc tiếp cận vốn chưa hiệu quả, nhu cầu tại các thị trường trên thế giới tiếp tục suy giảm…


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 7.

Mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính nhằm tạo động lực bứt phá cho doanh nghiệp.

Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 7/2024, cả nước có 14.735 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 110.408 tỷ đồng, tăng 7,3% về số doanh nghiệp. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7/2024 là 88.413 người, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 7 tháng năm 2024, cả nước có 95.217 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023. Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 854.646 tỷ đồng, tăng 2,4% so với 7 tháng đầu năm 2023.

Phần lớn các ngành kinh tế đều có số doanh nghiệp thành lập mới tăng như: vận tải, kho bãi; sản xuất, phân phối, điện, nước, gas; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng…

Cùng với doanh nghiệp thành lập mới tăng, trong tháng 7 và 7 tháng năm 2024 ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại thị trường tiếp tục tăng. Tháng 7/2024 có 8.201 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng năm nay, cả nước có 44.273 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng 2024 tăng ở 12/17 lĩnh vực.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 7 tháng, cộng đồng doanh nghiệp đã được miễn, giảm 87,2 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí. Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, sửa đổi gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội theo hướng nâng mức giảm lãi suất với người mua nhà.

Ông Đinh Hoàng Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp điện Quang Huy cho biết, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã có tín hiệu tích cực hơn. Mặc dù vậy, theo ông Long, nhìn chung tốc độ phục hồi của lĩnh vực xây dựng còn chậm.

Trong lĩnh vực dệt may, nhiều doanh nghiệp cho biết, đơn hàng đang rất khả quan. Theo Công ty CP Dệt may Thành Công, đến thời điểm hiện tại, Công ty đã và đang nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2024 và khoảng 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý IV/2024.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng trong hoạt động gia nhập thị trường và tái gia nhập trường của doanh nghiệp, 7 tháng năm 2024, cả nước vẫn có tới 125.456 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, mỗi tháng Việt Nam vẫn có khoảng 18.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Đinh Hoàng Long cho hay, mặc dù, kinh tế đang phục hồi, nhưng những khó khăn cũ vẫn còn nguyên, chưa kể khó khăn mới xuất hiện tạo áp lực cho doanh nghiệp. “Giá cả nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất tiếp tục tăng đang “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp. Cụ thể, nhiều loại chi phí thực tế của doanh nghiệp đang cao hơn nhiều so với định mức ban hành, tác động trực tiếp tới hiệu quả của doanh nghiệp”, ông Long cho hay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế trong thời gian tới còn rất lớn. Các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt tốc rõ nét. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy hơn nữa tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp.

Nhấn mạnh giải pháp trọng tâm trong tháng 8 và quý III/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ sẽ khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính để tạo động lực bứt phá.

Cùng với đó, làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, triển khai có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, khai thác tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các FTA đã ký; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới để đẩy mạnh xuất khẩu; chủ động đàm phán, hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động điều tra chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ chú trọng bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh đầu tư trong các ngành sản xuất kinh doanh chính…

“Trước tình hình kinh tế trên thế giới còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng. Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay”, đại diện doanh nghiệp ngành dệt may cho hay.

Trước tình hình thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh những tháng đầu năm 2024 vẫn còn nhiều lực cản với doanh nghiệp, tốc độ cải thiện vẫn chậm, TS. Nguyễn Minh Thảo, chuyên gia môi trường kinh doanh cho rằng, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cần được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực thi hơn nữa nhằm hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nắm bắt tốt hơn cơ hội kinh doanh.

Để phát huy các động lực tăng trưởng mới, theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cần quyết liệt hơn trong cải cách thể chế, bởi thể chế cũng chính là một nguồn lực. Mấu chốt là các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thực chất các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, chi phí tuân thủ.

Cùng với đó, tạo ra động lực liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp theo tư duy chuỗi giá trị để cùng hợp tác, cùng phát triển, tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách. Ðể tiếp cận hiệu quả thị trường thế giới, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường năng lực, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng doanh nghiệp, từ đó lấy lại và tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, chính các doanh nghiệp cũng phải tự nhìn nhận lại mình, tăng cường năng lực quản trị, tài chính nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường. Ðây sẽ là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì được các động lực tăng trưởng cũ và tìm kiếm mục tiêu tăng trưởng mới, góp phần phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn tới.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=802
Quay lên trên