Khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Cập nhật: 02-05-2012 | 00:00:00

Trong 4 tháng đầu năm, rất nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều lĩnh vực như chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày... trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng khó khăn, sản xuất không có lãi, thậm chí lỗ nặng. Các DN này đang rất cần Nhà nước đưa ra những giải pháp, chính sách kịp thời giúp DN vượt qua khó khăn...  Các tổ chức tín dụng đang chủ động tìm biện pháp tháo gỡ cho DN

Chính sách tiền tệ còn bất cập         

Chính sách tỷ giá hối đoái là một nội dung rất quan trọng trong chính sách cán cân thương mại quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua, chính sách siết chặt tiền tệ kéo dài, điều hành tỷ giá không phù hợp đã làm suy yếu hệ thống DN. Theo ông Võ Trường Thành - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, tỷ giá VND/USD đang có lợi cho các DN nhập khẩu có cơ hội làm ăn trong năm 2012 và trong những năm tiếp theo, tuy nhiên ở tầm vĩ mô thì không có lợi cho quốc gia. “Phần lớn DN ngành gỗ ở Bình Dương hoạt động xuất khẩu nhưng chính sách giữ giá tiền đồng mạnh vô hình gây bất lợi cho xuất khẩu. So sánh trên diện rộng, động thái này chỉ làm lợi cho khoảng 30%/GDP đối với DN nhập khẩu, trong khi xuất khẩu chiếm tỷ lệ 70%/GDP. Tỷ giá hối đoái của Việt Nam cần được điều chỉnh linh hoạt theo sát thực tế tình hình kinh tế đất nước. Mặt khác, Nhà nước cần phải chủ động phá giá VND một cách thích hợp thì mới có thể khuyến khích xuất khẩu”, ông Thành nói.

Một động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là hạ trần lãi suất huy động xuống còn 12%/năm làm cơ sở giảm lãi vay, giúp DN giảm chi phí, phục hồi sản xuất, kích thích tăng tưởng, nhưng NHNN chỉ chốt chặn đầu vào và cho thoải mái ở đầu ra nên không có tác động tích cực tới DN. Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc Nguyễn Thanh Nghĩa, cho hay: “Nhìn vào tình hình chung không mấy khả quan của khối DN, thì mức lợi nhuận của các Ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn khá sáng sủa, vì lãi suất vay hiện nay của các NHTM vẫn ở mức cũ và chưa có gì thay đổi”. Ông Nghĩa đề xuất, NHNN cần thực thi vai trò là ngân hàng Trung ương, bơm nguồn tín dụng có lãi suất thấp thông qua khối NHTM Nhà nước để DN tiếp cận vốn càng nhanh càng tốt.

Ở một khía cạnh khác của việc siết chặt tiền tệ gây khó khăn nhất hiện nay là hạn mức tín dụng. Nghịch lý trong nền kinh tế hiện nay nằm ở chỗ DN thiếu vốn nhưng ngân hàng thì lại dư vốn và hai bên không thể gặp nhau. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I cho biết, một ngân hàng nước ngoài sẵn sàng cho công ty ông vay với lãi suất thấp nhưng đến khi xúc tiến thì lại vướng. Lý do ngân hàng này đưa ra là tín dụng đã chạm trần, không thể tiếp tục cho vay và phải chờ khách hàng trả nợ mới có thể cho vay tiếp. Nhiều ngân hàng công bố chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi nhưng đối với nhiều DN vừa và  nhỏ, dù lãi suất vay cao hay thấp họ cũng khó tiếp cận được bởi các điều kiện về tài sản, đầu ra, sổ sách của các DN khó đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. “Với những nút thắt như vậy thì cung và cầu rất khó gặp nhau, DN không có cơ hội phục hồi”, một đại diện Hiệp hội Sơn mài Bình Dương nói.

Theo đề xuất của ông Võ Trường Thành, ngoài việc nới lỏng các chính sách tín dụng, áp dụng tổng thể các giải pháp thương mại, đầu tư, cắt giảm thủ tục hành chính, tái cơ cấu hệ thống DN và ngân hàng... mang tính chất dài hạn, Nhà nước nên có chính sách miễn, giảm 50% thuế cho DN thì mới có thể cải thiện được tình hình.

Nới lỏng tín dụng để cứu sản xuất

Trước thực trạng này, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đang nhanh chóng cụ thể hóa các giải pháp để gỡ khó cho DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đối với ngành ngân hàng, tại Văn bản số 2506 ngày 10-4 vừa qua, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn của dự án, phương án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với khả năng huy động vốn và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa theo quy định của NHNN; ưu tiên vốn phục vụ cho nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động và các dự án có hiệu quả.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã nới lỏng cho vay ở một số nhóm đối tượng ở các lĩnh vực không khuyến khích cho vay. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trước đây, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng thuộc nhóm không khuyến khích cho vay nhưng nay cho vay tiêu dùng hầu như đã mở hết, chỉ còn cho vay tiêu dùng ở nước ngoài là không khuyến khích. Đối với bất động sản cũng vậy, hiện giá nhà đất đã giảm đến mức phù hợp cho nhiều phân khúc khác nhau, khi mở lĩnh vực này sẽ giải phóng hàng tồn kho về nhà ở, tạo ra sự chu chuyển vòng vốn hợp lý. Ngoài ra, tháo gỡ về vốn cho bất động sản còn giúp được nhiều lĩnh vực sản xuất khác như xi măng, sắt thép xây dựng, giải quyết việc làm cho người lao động...

Cũng theo tinh thần văn bản trên, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng hết sức chủ động để cơ cấu lại nợ đối với các DN. NHNN hy vọng với việc điều hành của NHNN trong thời gian tới, cộng với tình hình thanh khoản tốt lên các ngân hàng sẽ chủ động tiến hành cơ cấu lại nợ đối với các khoản nợ của các DN. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản nợ của DN đều được cơ cấu lại mà chỉ với các DN có khó khăn tạm thời, có đường hướng sản xuất, kinh doanh tốt, có khả năng khắc phục được khó khăn thì ngân hàng mới cơ cấu lại nợ. Trong bối cảnh hiện nay, sự “đánh tiếng” này từ phía NHNN là tín hiệu mừng đối với nhiều DN.

Kêu gọi ngân hàng hỗ trợ DN

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có Văn bản số 2506/NHNN-CSTT, yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và hộ dân từng bước phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là các TCTD) thực hiện các nhiệm vụ sau:

C  hủ động phối hợp với khách hàng vay trong việc rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng. Trên cơ sở kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay và khả năng tài chính của mình, TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng theo quy định tại Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31-5-2005.

Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và TCTD đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo thì TCTD xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay; khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và được TCTD đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay thì TCTD xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.

Thực hiện việc phân loại nợ đối với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23-4-2012 về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu, trên cơ sở khả năng tài chính và chính sách khách hàng của TCTD, TCTD xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành, nhất là đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động. Bên cạnh đó, các TCTD xem xét miễn, giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính theo quy định tại Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001 và trên cơ sở khả năng tài chính, quy chế miễn, giảm lãi của TCTD.

Thảo Vy

T.Hồng

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=380
Quay lên trên