Khẳng định vai trò thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của ASEAN

Cập nhật: 04-04-2012 | 00:00:00

Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò và vị thế là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của ASEAN; tích cực đóng góp vào các vấn đề chung, thuộc về lợi ích của ASEAN…

>> Bế mạc Hội nghị ASEAN lần thứ 20 tại Campuchia

Chiều 4-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam rời Thủ đô Phnom Penh, Campuchia về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến đi tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen.

  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại cuộc gặp đại diện Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA)Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này đã tiếp tục khẳng định được vai trò và vị thế là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của ASEAN; tích cực đóng góp vào các vấn đề chung, thuộc về lợi ích của ASEAN qua các sáng kiến, đóng góp liên quan đến các vấn đề về xây dựng Cộng đồng ASEAN; triển khai Kế hoạch Kết nối ASEAN; thu hẹp khoảng cách phát triển và triển khai thực hiện Sáng kiến liên kết ASEAN; hướng tới một ASEAN không ma túy vào 2015; tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN …

Trong phát biểu tại Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 20, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam hoàn toàn ủng hộ chủ đề “ASEAN: một Cộng đồng, một Vận mệnh” như nước Chủ tịch Campuchia đã xác định, cho rằng, một ASEAN đoàn kết, vững mạnh và liên kết chặt chẽ không những là lợi ích chung của cả khu vực mà còn là mục tiêu chiến lược của các nước thành viên. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc để ASEAN phát huy vai trò và tiếng nói ở khu vực và trên trường quốc tế.

Đề cập đến vấn đề về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cần đề ra các biện pháp hữu hiệu để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng; làm tốt hơn nữa công tác phối hợp, điều phối giữa các trụ cột và phát huy vai trò của Hội đồng Điều phối; đề cao hơn nữa “văn hóa thực thi”, tính hiệu quả cũng như dành nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện Lộ trình; làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, tạo điều kiện cho các đối tác tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như hỗ trợ các trọng tâm và ưu tiên của ASEAN; đồng thời tiếp tục củng cố và phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Bên cạnh đó, nhấn mạnh, trong bối cảnh khu vực có nhiều biến chuyển nhanh chóng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Hiệp hội cần tăng cường phối hợp lập trường về các vấn đề thuộc quan tâm và là lợi ích chung của khu vực, bày tỏ ủng hộ ASEAN xây dựng Tài liệu về lập trường chung tại G20; tiếp tục đề nghị G20 thể chế hóa sự tham gia của ASEAN tại Hội nghị.

Liên quan đến việc triển khai kế hoạch Kết nối ASEAN, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cần tiếp tục coi kết nối ASEAN là một ưu tiên trong hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, trong đó, ASEAN cần quyết tâm thực hiện những cam kết trên cả cấp độ khu vực và quốc gia nhằm tăng cường kết nối về hạ tầng, thể chế và người dân; tạo thuận lợi về giao thương hàng hóa, dịch vụ, đầu tư; sớm hiện thực hóa hai dự án hạ tầng quan trọng;…

Đề cập tới vấn đề về thu hẹp khoảng cách phát triển và triển khai thực hiện Sáng kiến liên kết ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quan điểm của Việt Nam là hoan nghênh các tiến bộ đã đạt được của ASEAN trong việc thực hiện Kế hoạch Công tác Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn II. Tuy nhiên Thủ tướng cũng cho rằng các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV)  cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất các chương trình, dự án  thiết thực cho việc thu hẹp khoảng cách phát triển với phần còn lại của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các nước trong ASEAN cùng chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các thỏa thuận, trong đó có Kế hoạch về đấu tranh chống sản xuất, vận chuyển và sử dụng ma túy…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và và các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhấn mạnh cần triển khai hiệu quả các Kế hoạch về Liên kết và Kết nối ASEAN, nhất là các dự án trọng điểm về kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, gắn kết với các chương trình hợp tác tiểu vùng…

Đồng thời, các nhà lãnh đạo khẳng định ASEAN cần tiếp tục duy trì đoàn kết và thống nhất trong ASEAN; phát huy tác dụng của các công cụ và cơ chế hợp tác vì hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực; cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng như các thách thức đang nổi lên ở khu vực như thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh, an toàn hàng hải, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia...

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo ủng hộ việc ASEAN tăng cường phối hợp lập trường và đóng góp tích cực tại các diễn đàn đa phương rộng lớn hơn như ASEM, APEC, G20, Liên Hợp Quốc; đề nghị G20 thể chế hóa việc ASEAN tham gia Cấp cao G20.

Nằm trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với lãnh đạo các nước ASEAN đã gặp đại diện Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), các tổ chức xã hội (CSOs) và thanh niên ASEAN.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có cuộc gặp gỡ song phương với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Sau 2 ngày nhóm họp, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Phnom Penh về “ASEAN: một Cộng đồng, một Vận mệnh”, Nghị sự Phnom Penh về xây dựng Cộng đồng ASEAN và Tuyên bố về ASEAN không ma túy vào năm 2015; Tuyên bố Chủ tịch về các kết quả quan trọng của Hội nghị…

Các tuyên bố khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Hiệp hội chung tay xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, gắn kết và liên kết chặt chẽ, dựa trên ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, hướng tới người dân và rộng mở với bên ngoài; đề ra các mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó với các thách thức đang nổi lên ở khu vực, phát huy bản sắc văn hóa đa dạng của ASEAN…

Tuyên bố Phnom Penh cũng nhấn mạnh ASEAN tiếp tục đề cao những cam kết chung đã được quy định trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và khẳng định sẽ tiến tới bộ quy tắc ứng xử ở khu vực (COC).

Với sự tham gia một cách chủ động và đầy trách nhiệm, một lần nữa đã khẳng định sự đóng góp tích cực của Việt Nam vào các vấn đề chung thuộc lợi ích của ASEAN và vì một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, gắn kết và liên kết chặt chẽ.

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên