(BDO) Sáng 26-12, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ khánh thành công trình xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh. Công trình có tổng mức đầu tư 411,880 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tham dự lễ khánh thành
Tham dự lễ khánh thành có Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Về phía tỉnh Bình Dương, có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.
Lãnh đạo 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh nhận lẵng hoa chúc mừng của Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: Quốc Chiến
Về phía tỉnh Tây Ninh, có ông Nguyễn Thành Tâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Công trình đường và cầu kết nối giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh có chiều dài 800,39m, phần đường dẫn phía tỉnh Bình Dương dài 377,7m, phần đường dẫn phía tỉnh Tây Ninh dài 92,2m. Công trình có điểm đầu dự án giao với đường ĐT744, thuộc khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, cách trạm xăng dầu Thịnh Phát 2 khoảng 50m về phía trung tâm tỉnh Bình Dương. Điểm cuối công trình đấu nối vào dự án đường Đất Sét - Bến Củi do phía Tây Ninh làm chủ đầu tư tại lý trình Km 0+800,38, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Các vị lãnh đạo thực hiện nghi thức khánh thành công trình xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh
Công trình có phần cầu được xây dựng bê tông cốt thép dự ứng lực gồm 3 nhịp chính có kết cấu dầm hộp đúc hẫng cân bằng và 4 nhịp dẫn bằng dầm Super T. Mặt cắt ngang 25,5m bố trí cho 6 làn xe chạy, dải an toàn, lề bộ hành, gờ chắn bánh và lan can. Phần đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, có vận tốc thiết kế 80km/h, riêng đoạn đường dân sinh dưới cầu được thiết kế với vận tốc 20km/h. Kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa nóng. Chiều rộng nền đường 28,5m bố trí cho 6 làn xe, dải phân cách giữa, dải an toàn và lề đường. Riêng đoạn bố trí đường cong quay đầu xe chui dưới cầu nền đường rộng 37m. Tuyến đường được bố trí hệ thống chiếu sáng, sơn đường, biển báo đầy đủ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Dành nhấn mạnh công trình này là một trong nhiều dự án nhằm hiện thực hóa mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời tạo thuận lợi lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sự gắn kết giữa nhân dân 2 địa phương. Quan trọng hơn nữa, dự án sẽ góp phần đẩy nhanh sự kết nối vùng, thúc đẩy sự phát triển không chỉ hai tỉnh mà còn cả khu vực Đông Nam bộ, rút ngắn thời gian di chuyển của các địa phương đến các đầu mối giao thông quan trọng quốc gia như đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, sân bay Long Thành, cảng Cái Mép, cảng Thị Vải…
Đoàn xe các đại biểu tham dự lễ khánh thành thực hiện nghi thức tiến hành qua cầu để thông xe
Ông Nguyễn Văn Dành đã biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của đơn vị chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công và đội ngũ cán bộ, công nhân không quản ngày đêm xây dựng công trình bảo đảm chất lượng, mỹ thuật theo đúng yêu cầu đề ra.
Tại buổi lễ, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, khẳng định công trình được khánh thành không chỉ kết nối giữa 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh, mà mở ra một hướng kết nối mới, không gian phát triển mới cho khu vực đến các trung tâm kinh tế, chính trị, đầu mối giao thông lớn của vùng, đến các cửa khẩu quốc tế. Đặc biệt, tuyến đường này hình thành một hành trình mới giúp chia sẻ việc vận chuyển hàng hóa trong vùng thuận lợi.
Ông Dương Văn Thắng nhấn mạnh công trình thể hiện sự quyết tâm, đoàn kết và trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị 2 địa phương đối với vùng nói chung và 2 địa phương nói riêng, nhất là hiện thực hóa mong mỏi của người dân hai huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) và huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh).
Tin, ảnh: PHƯƠNG LÊ