“Khát” nguyên liệu cho ngành gỗ

Cập nhật: 21-08-2010 | 00:00:00

Theo kế hoạch phát triển của ngành gỗ Việt Nam, mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 5,4 tỷ USD và phấn đấu 7 tỷ USD vào năm 2020. Để đạt con số “trong mơ” đó, ngành đang đau đầu với bài toán đầu vào khi nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất ngày càng khan hiếm và giá cả tăng chóng mặt. Như vậy các doanh nghiệp (DN) trong ngành tại Bình Dương cũng đang đối mặt với khó khăn chung.

Gần 85% nhập khẩu

Theo Hiệp hội Gỗ lâm sản Việt Nam (Viforest), để đạt được giá trị kim ngạch như kế hoạch đề ra, lượng gỗ cần cho chế biến trong năm nay là 6,4 triệu m3 và đến năm 2020 con số tăng hơn 2,5 lần. Khảo sát cho thấy, hiện lượng gỗ trong nước cung cấp được khoảng 1,6 triệu m3 gỗ lớn; năm 2015 sẽ cung cấp được 5 triệu m3 và năm 2020 cung cấp được khoảng 12 triệu m3. Như vậy, giai đoạn từ năm 2010-2020 Việt Nam vẫn phải nhập từ 4 - 5 triệu m3 gỗ/năm (khoảng 85% nguyên liệu gỗ).

Tính toán của các chuyên gia trong ngành, thị trường nguyên liệu gỗ cho Việt Nam khả năng thời gian tới sẽ bị thu hẹp và khó mua hơn. Nguyên nhân do nhiều nước XK gỗ nguyên liệu đang xem xét lại chuỗi giá trị ngành tiến đến ban hành những chính sách giảm hoặc hạn chế XK gỗ tròn và gỗ xẻ. Đây sẽ là một bất lợi lớn cho ngành chế biến đồ gỗ Việt Nam và đòi hỏi ngành phải sớm có những phương án để giảm dần sự phụ thuộc này. Giải quyết bài toán nan giải trên, các ngành chức năng đang nỗ lực ổn định diện tích rừng trồng sản xuất với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt 3 triệu ha và 4 triệu ha vào 5 năm tiếp theo. Song song đó, việc xây dựng một trung tâm dữ liệu cung cấp thông tin một cách kịp thời và chuẩn xác cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam là yêu cầu bức thiết hiện nay.

“Nóng” ngay trên sân nhà

Công ty TNHH chế biến gỗ Tân Phú tại huyện Tân Uyên, Bình Dương cho biết, mới đây nhà cung cấp nguyên liệu chính cho DN - Công ty CP Gỗ Bình Định đã gửi bảng báo giá mới cho đơn vị. Theo đó, DN áp dụng giá mới đối với phôi gỗ có độ dày 26mm, 30 - 35 mm, 41mm... với các đơn giá tương ứng là 5 triệu, 5,2 triệu và 5,4 triệu đồng/m3. Đó là những quy cách gỗ thông dụng, riêng gỗ có quy cách lớn đã tăng từ lâu. “Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày vừa qua, giá nguyên liệu gỗ đã tăng thêm 300.000 đồng/m3 (tương đương tăng gần 10%). Nếu so với cùng kỳ và cùng một nhà cung cấp, giá nguyên liệu gỗ đã tăng 1,3 - 1,5 triệu đồng/m3 (tương đương gần 50%), Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Duy Khánh than thở.

Chưa nguôi nỗi lo về giá, hiện các DN trong nước đang “sốt vó” khi nguồn nguyên liệu ngay tại sân nhà đang bị cạnh tranh gay gắt. Tận dụng ưu đãi thuế suất 0% đối với mặt hàng gỗ nhóm 44.07, trong đó có gỗ cao su, nhiều DN Trung Quốc và cả Việt Nam đang “tranh thủ” thu gom XK sang Trung Quốc khiến cho giá nguyên liệu của loại gỗ này “bất ngờ” tăng đột biến. Ngoài ra, đang là mùa mưa, các xưởng cưa đã tạm ngừng xẻ gỗ và cũng là mùa những nhà máy chế biến gỗ nhận được nhiều đơn hàng nhất từ khách hàng. Các DN gỗ tranh nhau mua nguyên liệu về dự trữ đã góp phần làm cho phôi gỗ càng lúc càng khan hiếm đẩy cơn sốt giá dự báo sẽ còn tiếp tục leo thang. “Dù vậy, những đề nghị tăng giá thành sản phẩm không dễ dàng được khách hàng chấp nhận. Ngược lại, nếu không cung cấp sản phẩm được với giá cạnh tranh, cơ hội có nguy cơ bị mất do khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác”, anh Khánh cho biết thêm.

Thống kê của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay lượng gỗ nguyên liệu qua sơ chế xuất khẩu tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2009. Cũng theo phản ảnh của nhiều DN sản xuất đồ gỗ, hiện giá nguyên liệu gỗ cao su liên tục tăng 30-40% nhưng vẫn khan hàng. Nếu không sớm có biện pháp thấu đáo giải quyết khó khăn cho DN về nguồn nguyên liệu đầu vào, con số kim ngạch XK theo kế hoạch của ngành gỗ Việt Nam đề ra rất khó thực hiện được.

THIÊN KHIÊM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên