Khát vọng vươn lên tầm cao mới
(BDO) Cùng với cả nước, những ngày này, nhân dân Bình Dương đang hân hoan trong không khí rộn ràng mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kế thừa và phát huy truyền thống, khí phách anh hùng cách mạng, 79 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một – Sông Bé - Bình Dương luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đó là nền tảng, là niềm tin, động lực cho tỉnh nhà hiện thực hóa khát vọng vươn lên tầm cao mới...
Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm, Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật
Kiến tạo những kỳ tích
Trong những ngày này, khắp nơi trong tỉnh, từ nông thôn đến thành thị, dù ở nơi đâu, không khí chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 cũng thật rộn ràng, phấn khởi. Trong không khí ấy, lòng người cũng trào dâng biết bao cảm xúc hân hoan, tự hào về sự phát triển lớn mạnh của quê hương, đất nước thân yêu.
79 mùa thu độc lập, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu có tính đột phá trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt, sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo và gần 30 năm xây dựng, phát triển, tỉnh Bình Dương đã có sự phát triển vượt bậc.
Đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng sẽ tạo động lực phát triển mới cho tỉnh
Nhờ đầu tư và phát triển công nghiệp đúng hướng, Bình Dương đã trở thành tỉnh công nghiệp hàng đầu cả nước và tạo nên kỳ tích trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Bình Dương ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Nhìn lại chặng đường đã qua, từ một tỉnh thuần nông, thu ngân sách không đủ chi, Bình Dương đã trở thành địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương đứng thứ 3 cả nước, quy mô nền kinh tế đạt 500.000 tỷ đồng, chỉ sau hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua được các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đánh giá là kỳ tích.
Đô thị Thủ Dầu Một ngày càng khang trang, hiện đại
Kỳ tích đó là kết quả của sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm và dám chịu trách nhiệm với tinh thần đổi mới mạnh mẽ thông qua các chiến lược đột phá, sẵn sàng đón nhận các xu thế phát triển trên thế giới. Chính cách tiếp cận này đã tạo động lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương liên tiếp đạt được những thành quả nổi bật, đặc biệt là những chỉ tiêu tăng trưởng về thu hút đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách luôn nằm trong top đầu của cả nước.
Hạ tầng kinh tế - xã hội Bình Dương ngày càng phát triển đồng bộ và toàn diện. Trong ảnh: Trung tâm Hành chính huyện Bắc Tân Uyên
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu cụ thể về kinh tế: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD; cơ cấu kinh tế năm 2030: ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 88-90%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP. |
Hiện tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 85%. Toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp đã thành lập, thu hút hơn 4.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với trên 41 tỷ đô la Mỹ và khoảng 70.000 doanh nghiệp trong nước với vốn đầu tư tương đương vốn FDI. Sau nhiều năm phấn đấu, vào cuối năm 2023, Bình Dương được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới công nhận là TOP 1 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh trên thế giới... Từ đây đã hình thành hệ sinh thái công nghiệp, đô thị, dịch vụ, giáo dục, y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm ngày càng phát triển.
Quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Trong những tháng đầu năm 2024, mặc dù gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của tình hình kinh tế và chính trị thế giới, song Bình Dương vẫn đạt kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,2%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,04%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 225.000 tỷ đồng, tăng 12,6%. Tổng thu ngân sách đạt 46.600 tỷ đồng, tăng 14%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vượt 1 tỷ USD.
Một góc đô thị Thủ Dầu Một
Song song đó, các ngành, các cấp của tỉnh đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng như tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; dự án Quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; khởi công khu phức hợp WTC Bình Dương (vòng xoay A1), khởi công khu công nghiệp Cây Trường, khánh thành cầu Bạch Đằng 2....
Thành phố trẻ Bến Cát đang có bước phát triển nhanh chóng
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, trên nền móng đã được vun đắp qua nhiều thế hệ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Với quan điểm phát triển nhanh, toàn diện nhưng phải bền vững, chú trọng chiều sâu ở mọi lĩnh vực, tỉnh sẽ tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trước mắt, tỉnh tiếp tục nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 để tạo sự bứt phá cho năm 2025, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Kết quả phát triển của tỉnh thời gian qua đã tạo ra nền tảng để xây dựng Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
Song song đó, tỉnh sẽ công bố và thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao...
Bình Dương luôn xác định mục tiêu lấy người dân làm trung tâm để phục vụ
79 mùa thu độc lập, với truyền thống cách mạng hào hùng, cùng tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, biết làm, tin tưởng sâu sắc rằng, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo nền tảng để xây dựng Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng tỉnh nhà phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đáng sống.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quy hoạch đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển bao gồm: liên kết hợp tác phát triển vùng, trong đó đặc biệt là các kết nối tới cảng biển (Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ), cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài – Tây Ninh, Hoa Lư – Bình Phước); kết nối về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để tạo động lực chuyển đổi hệ sinh thái phát triển kiểu mới, kết nối về không gian phát triển không gian động lực phía Nam, hợp tác phát triển các hành lang đô thị sinh thái dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá tiếp theo là đổi mới hệ sinh thái phát triển; phát triển xã hội, nguồn nhân lực; phát triển Bình Dương xanh và phát triển các không gian động lực. |
Trí Dũng - Quốc Chiến