Khép lại màn kịch đau thương

Cập nhật: 13-04-2011 | 00:00:00

Từ chỗ "tự giam mình" trong boongke để cố thủ tại tư dinh ở Abidjan, Tổng thống mãn nhiệm Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo hiện đã nằm dưới sự quản thúc của lực lượng Tổng thống hợp pháp Alassane Ouattara tại khách sạn Golf, nơi trước đó chưa lâu các tay súng của ông L.Gbagbo từng vây hãm đối thủ được dân bầu như một động thái để thị uy sức mạnh.

 

Cuộc đảo chiều vị thế ngoạn mục trong khoảng 24 giờ qua tại Bờ Biển Ngà đã khép lại vở bi hài kịch chính trị tại đất nước này, cho dù lẽ ra mọi chuyện đã có thể kết thúc nhẹ nhàng hơn.

 

 

Người dân Cote d’Ivoire vui mừng trước tin Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo bị bắt giữ.

 

Kêu gọi người dân Bờ Biển Ngà ngừng giao tranh để đất nước trở lại yên bình trong một tuyên bố ngắn trên truyền hình sau khi bị bắt, được xem là "sự ăn năn" muộn màng của ông L.Gbagbo. Tất cả đã chẳng còn ý nghĩa, khi tính mạng của khoảng 1.000 người đã bị cướp đi khi vị tổng thống ham quyền lực chọn vũ khí để cố giữ chiếc ghế đã không còn thuộc về mình. Thế nhưng, với phần lớn người dân vùng đất vốn xác xơ vì nội chiến, thông tin nhà lãnh đạo thất cử L.Gbagbo cuối cùng đã bị bắt và sẽ bị xét xử vì đã liên tiếp vi phạm các nguyên tắc dân chủ là quá đủ để người dân Bờ Biển Ngà đặt niềm tin vào sự hồi sinh của đất nước trong tương lai.

 

"Chiến tranh đã chấm dứt" là những thanh âm được nghe thấy nhiều nhất tại Bờ Biển Ngà những giờ qua. Đó cũng là nỗi khát khao về quyền được sống yên bình trên chính mảnh đất quê hương đã liên tiếp bị bỏ quên bởi các cuộc đấu đá quyền lực liên miên. Ông L.Gbagbo chỉ cam chịu bị bắt sau khi trung tâm quyền lực cuối cùng ở Abidjan thất thủ trước các cuộc tấn công của phe đối lập dưới sự hỗ trợ lực lượng Liên hiệp quốc và Pháp. Sự ra đi không yên ả của ông L.Gbagbo kéo theo quyết định hạ vũ khí của Tư lệnh quân sự, Tướng Bruno Dogbo Ble và khoảng 200 tay súng nữa đã khép lại cuộc khủng hoảng quyền lực không đáng có trong lịch sử Bờ Biển Ngà.

 

Tuy nhiên, nếu như khói lửa chiến tranh có thể đã qua đi thì nó vẫn kịp để lại những thương tổn sâu sắc khắp đất nước với cảnh hoang tàn sau nhiều tháng đổ máu, với một nền kinh tế kiệt quệ vì trở thành công cụ triệt hạ đối thủ và một thảm họa nhân đạo cận kề do hàng triệu người bị đẩy vào cảnh tị nạn và đói khổ. Vì thế, phía trước bãi lầy mà Tổng thống đắc cử A.Ouattara vừa khó khăn vượt qua là con đường gập ghềnh mà thách thức lớn nhất là phải lập lại trật tự và thu phục lòng tin ở Abidjan, lãnh địa mà người tiền nhiệm L.Gbagbo có ảnh hưởng gần như tuyệt đối. Một kỷ nguyên hòa bình cũng không thể bắt đầu nếu như vị tổng thống mới không hoàn thành sứ mệnh hòa giải có ý nghĩa cốt tử. Theo đó, ông sẽ phải chứng tỏ cho những người ủng hộ đối thủ L.Gbagbo gạt bỏ ý nghĩ rằng họ sẽ khó có được chốn dung thân trong thời đại của A.Ouattara. Cho dù được ví như "rắn mất đầu", song lực lượng này là không thể xem thường khi còn đang nắm giữ nhiều lĩnh vực chủ chốt ở Bờ Biển Ngà.

 

Công cuộc đoàn kết 60 bộ tộc từng bị chia rẽ sâu sắc ở xứ sở Cacao sẽ là bài kiểm tra thường xuyên cả trước mắt và lâu dài với khả năng lãnh đạo của tân Tổng thống dân cử A.Ouattara. Những kinh nghiệm khi nắm giữ vị trí Thủ tướng từ năm 1990 đến 1993 có thể sẽ là lợi thế cho vị tân Tổng thống Bờ Biển Ngà. Song trong một xã hội sắc tộc đã ăn sâu bén rễ đến mức nhà lãnh đạo 69 tuổi từng hai lần lỡ hẹn với cuộc bầu cử Tổng thống năm 1995 và 2000 do có nguồn gốc họ tộc với nước láng giềng Burkina Faso thì việc ông phải tiếp tục nhờ cậy sự ủng hộ của lực lượng nước ngoài để có thực quyền sẽ là một con dao hai lưỡi. Điều này thực sự là mối lo ngại trong quá trình hòa giải dân tộc và tái thiết đất nước với ông A.Ouattara, người đang được xem nguồn ánh sáng duy nhất cho nền hòa bình vững bền tại quốc gia Tây Phi này.

 

Dù thế nào thì người dân Bờ Biển Ngà cũng vừa bước qua một ngã rẽ quyết định để vào một lộ trình mới, hướng tới sự ổn định và phồn vinh được mong đợi. Dẫu vậy, cuộc khủng hoảng đã thực sự chấm dứt hay chưa còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm và tài chèo lái của tân tổng thống đắc cử ngay trong những ngày nắm quyền đầu tiên. Nỗi bi thảm vừa trở thành quá khứ hẳn sẽ khiến mong muốn tái lập và gìn giữ hòa bình ở quốc gia hơn 21 triệu dân này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây chính là cơ sở thắp lên hy vọng về một chương mới tại Bà Biển Ngà để đưa quốc gia xuất khẩu cacao lớn nhất thế giới lấy lại hình ảnh của một "gã khổng lồ" kinh tế trong khu vực như trước khi bị tan nát do bạo lực.

 

Theo Hà Nội Mới

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên