Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hết năm 2012, do vậy tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang bước vào giai đoạn nước rút để hoàn thành kế hoạch cả năm. Tính đến thời điểm này, một số ngân hàng (NH) ở nhóm 1, thanh khoản tốt, được phân bổ chỉ tiêu tín dụng lớn, đang tìm mọi cách tiếp thị, tung ra những gói cho vay với lãi suất hấp dẫn để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đã huy động...
Nhiều NH hiện đang tung ra các gói cho vay hấp dẫn nhằm đạt kế hoạch chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 Ảnh: THANH HỒNG
Áp lực giải ngân
Theo nhận định từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ giải ngân từ các NH trong 8 tháng năm 2012 là khá chậm, trong khi khả năng cũng như tốc độ huy động vốn từ các NH lại khá cao. Theo đó, tốc độ tăng trưởng huy động cao gấp 8 lần tốc độ cho vay; tăng trưởng tín dụng đạt 1,4% nhưng số dư tiền gửi tại các NH tăng trên 11%. Điều này cho thấy nguồn vốn từ các NH có dấu hiệu ách tắc, không đi vào sản xuất, kinh doanh. Huy động nhiều nhưng ít giải ngân, đối với các NH nếu không có dấu hiệu bất thường như huy động nhằm mục đích cải thiện thanh khoản hay mua trái phiếu Chính phủ, đầu tư bất động sản, chứng khoán... rõ ràng cũng đang gặp phải những áp lực không nhỏ trong việc hoàn thành kế hoạch tăng trưởng dư nợ cho vay. Để giải quyết áp lực này, đồng thời hưởng ứng chính sách hạ lãi suất, các NH lớn đã đồng loạt tung ra những gói lãi suất hấp dẫn. Đi đầu là VietcomBank dành 15.000 tỷ đồng để triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất với mức thấp nhất chỉ 9%/năm, bằng với trần lãi suất huy động theo quy định của NHNN. Ngoài ra, Vietcombank còn có gói cho vay ưu đãi bằng ngoại tệ, với lãi suất thấp nhất là 2,5%/năm, tổng gói vay này là 700 triệu USD. Kế đến, VietinBank cũng triển khai đồng thời gói cho vay 10.000 tỷ đồng cho DN và gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay cá nhân sản xuất, kinh doanh với lãi suất chỉ từ 8,95%/năm.
Trao đổi với PV Báo Bình Dương, đại diện Ngân hàng Quốc tế (VIB) chi nhánh Bình Dương, cho biết nhằm tạo điều kiện cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn vay, NH này đang triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn, minh bạch, giải ngân nhanh chóng. Cụ thể, VIB đã triển khai gói cho vay bất động sản và cho vay cá nhân kinh doanh với lãi suất hấp dẫn. Theo đó, từ 15-8 đến 10-11-2012, khách hàng cá nhân vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà sẽ được hưởng lãi suất từ 9,9%/năm trong 3 tháng đầu và vay phục vụ sản xuất, kinh doanh với lãi suất từ 11,5%/năm trong 3 tháng đầu. Từ tháng thứ 4, mức lãi suất sẽ được điều chỉnh theo điều kiện của thị trường. Với khách hàng DN, VIB cũng vừa triển khai “Gói ưu đãi lãi suất hấp dẫn”, giiảm lãi suất 2%/năm trong tổng gói tín dụng 2.000 tỷ đồng tới các khách hàng DN trong ngành thực phẩm, đồ uống, dệt may và dược phẩm, trong đó có các khách hàng DN tại khu vực Bình Dương...
Tiếp thị để cho vay
Mặc dù nhiều gói lãi suất hấp dẫn được tung ra nhưng con số thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy tốc độ giải ngân vẫn chưa được cải thiện vì trong điều kiện của DN hiện nay, nhu cầu vay vốn thì có nhưng để tiếp cận vay các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn này, rất ít DN có đủ các điều kiện mà các NH đưa ra. Trước tình hình này, với các NH chịu áp lực hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng đã thực hiện các chương trình tiếp thị để giải ngân nguồn vốn huy động bằng cách tiếp cận những DN, khách hàng truyền thống để giới thiệu các gói lãi suất thấp. Một số NH lớn còn cử nhân viên đến các hội nghị, hội thảo có các DN tham gia để tiếp cận, giao dịch, tìm kiếm những khách hàng có tiềm lực tài chính tốt, có dự án kinh doanh khả thi để “mời gọi” cho vay những khoản tín dụng hấp dẫn.
Đại diện Ngân hàng Sài Gòn Công Thương chi nhánh Bình Dương, cho biết trong tình hình hiện nay, NH này buộc phải “tiếp thị” để giải ngân nguồn vốn nhằm hoàn thành kế hoạch tăng trưởng dư nợ, trong đó ưu tiên nhóm đối tượng DN là khách hàng truyền thống. Còn đại diện của VIB thì chia sẻ, ngay từ đầu năm 2012, VIB được NHNN xếp hạng nhóm 1 và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17%. Để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng dư nợ cho vay cũng như tiếp thị để mở rộng khách hàng, ngoài phương thức tiếp cận theo cách truyền thống và phổ biến, VIB còn liên kết với một số các tổ chức, hiệp hội ngành hàng để cung cấp thông tin về lãi suất, chế độ, chính sách ưu đãi tới các DN thành viên của các tổ chức, hiệp hội này. Bên cạnh đó, VIB còn tổ chức hội thảo về ngành, hỗ trợ và cung cấp thông tin về thị trường, tư vấn nhằm giúp đỡ khách hàng DN, từ đó lôi kéo họ vay vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
THÀNH SƠN