Khi đảng viên biết làm giàu

Cập nhật: 27-09-2022 | 09:10:24

 Nhiều đảng viên ở xã Tân Hiệp (huyện Phú Giáo) nhờ phát huy tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm, không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn giải quyết việc làm, hỗ trợ, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống.

 Chị Lương Thị Nhị, đảng viên Chi bộ ấp 3, Giám đốc HTX May gia dụng Tân Hiệp Phát là một điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở xã Tân Hiệp

 Tạo việc làm, cải thiện thu nhập

Thực hiện Quy định số 15 của Trung ương về đảng viên làm kinh tế tư nhân, thời gian qua trên địa bàn xã Tân Hiệp đã xuất hiện nhiều tấm gương đảng viên làm kinh tế giỏi, vượt khó vươn lên làm giàu. Trong đó, chị Lương Thị Nhị, đảng viên Chi bộ ấp 3, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) May gia dụng Tân Hiệp Phát là một điển hình. Người dân ở ấp 3, xã Tân Hiệp không chỉ biết đến chị là một đảng viên trẻ năng động, nhiệt tình trong công việc mà còn là người tiên phong trong phát triển kinh tế, mạnh dạn thành lập HTX, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương...

Trò chuyện với tôi, chị Võ Thị Huế, người dân địa phương, cho biết 3 năm trước chị làm công nhân ở một công ty may tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (TP. Thuận An). Do lớn tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều nên chị phải xin nghỉ làm ở công ty, không có thu nhập khiến việc chi tiêu trong gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi được HTX May gia dụng Tân Hiệp Phát tạo việc làm, chị Huế nhận hàng về may tại nhà góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của gia đình. “Thu nhập hàng tháng của tôi cũng đạt gần 7 triệu đồng. Được cái làm ở nhà nên các khoản chi phí cho cá nhân giảm hẳn, hàng tháng cũng dành dụm tiết kiệm được một khoản để gia đình phòng thân lúc gặp khó khăn. So với ngày trước đi làm xa nhà, thu nhập cũng chỉ đủ chi phí sinh hoạt, ăn ở, đi lại khó để dư được đồng nào trong khi về HTX làm, vừa có thu nhập, vừa có thêm nhiều thời gian chăm sóc gia đình hơn”, chị Huế chia sẻ.

Làm kinh tế nông nghiệp không khó nhưng cũng không dễ, có lúc thăng trầm nhưng quan trọng là không được nản chí, chịu khó học hỏi kiến thức về trồng trọt, kinh nghiệm từ các mô hình ngoài thực tế..., áp dụng vào sản xuất mới thành công được…”.

(Anh Đặng Văn Xuân,đảng viên Chi bộ ấp 5, Đảng bộ xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo)

Để có được cơ ngơi, chỗ đứng trên thị trường như ngày hôm nay, chị Nhị đã dám nghĩ, dám làm và không chùn bước khi gặp khó khăn. Chị Nhị chia sẻ trong thời gian tham gia công tác hội phụ nữ tại địa phương, chị được tiếp cận nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả của phụ nữ ở các địa phương khác. Đặc biệt, từ khi tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp huyện và đạt giải nhất cuộc thi, chị càng nung nấu ý tưởng thành lập HTX để sản xuất, kinh doanh.

Thế rồi HTX ra đời, thời gian đầu khi đi vào hoạt động cũng gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm cũng như chưa hiểu biết về thị trường may mặc. Vốn liếng ban đầu đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, mua nguyên vật liệu... cũng tốn kém vượt quá với những gì đã chuẩn vị trước. Chị bảo có thời điểm “bí vốn”, phải đem bán những tài sản có giá trị lớn của gia đình. Để tiếp cận khách hàng, đích thân chị trực tiếp đi đến các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hàng, trường học... để giới thiệu về sản phẩm.

Với nghị lực quyết tâm vượt khó, cộng với kiến thức chuyên môn lại có hiểu biết xã hội và là người năng động, chị Nhị đã tự học hỏi kinh nghiệm qua các kênh thông tin đại chúng, qua bạn bè... để áp dụng vào thực tế công việc sản xuất, kinh doanh. Chị Nhị kể: “Vào thời điểm năm ngoái, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh khiến cho mọi hoạt động phải tạm ngưng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của HTX. Tuy nhiên, do lường trước được tình hình, HTX chuyển sang may khẩu trang y tế, đồng phục cho bệnh viện dã chiến..., cung cấp cho thị trường trong tỉnh và xuất khẩu cả sang Mỹ. Nhờ vậy, HTX đã duy trì hoạt sản xuất, kinh doanh ổn định, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động”.

Với những nỗ lực tìm hướng đi, đến nay, HTX của chị Nhị đã tạo dựng được thương hiệu chuyên may mặc đồng phục, có lượng khách hàng ổn định không chỉ trên địa bàn huyện mà còn ngày mở rộng thêm ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. “Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo thêm việc làm nhiều hơn nữa cho người lao động. Đồng thời, HTX đang xúc tiến việc đăng ký bảo hộ thương hiệu nhằm khẳng định chất lượng và xuất xứ sản phẩm...”, chị Nhị cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm, cùng làm giàu

Xuất phát từ đam mê với những mô hình phát triển kinh tế mới trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Đặng Văn Xuân, đảng viên Chi bộ ấp 5 cũng trở thành gương đảng viên biết làm giàu của xã Tân Hiệp. Ngay từ khi còn làm việc ở Trung tâm Giống cây trồng miền Nam, với kiến thức chuyên môn qua tìm hiểu thực tế, nhận thấy thổ nhưỡng cũng như khí hậu ở địa phương rất phù hợp cho việc trồng và phát triển sầu riêng nên anh đã mạnh dạn đầu tư trồng 1 ha. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, biết khai thác lợi thế và khắc phục khó khăn, cộng sự cần cù chịu khó và quyết tâm của người đảng viên đã giúp anh đạt được hiệu quả kinh tế cao từ cây sầu riêng.

Hiện gia đình anh có 4 ha sầu riêng, ngoài ra anh còn trồng thêm 3 ha mít và 1 ha nhãn. Thành công trong việc phát triển mô hình này, mỗi năm, trừ các khoản chi phí đầu tư chăm sóc vườn cây, gia đình anh thu nhập ổn định từ 600 - 700 triệu đồng, trở thành điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của xã.

Anh Xuân cho biết khoảng thời gian đầu khi mới phát triển cây sầu riêng, việc tìm đầu ra cho sản phẩm rất vất vả, phải mất rất nhiều thời gian đi đến các sạp trái cây ở các chợ, cửa hàng bán trái cây... để tiếp thị chào hàng. Lúc đầu, do chưa biết đến chất lượng sầu riêng nên hầu hết các chủ sạp, cửa hàng... chỉ mua số lượng ít để bán thử. Rồi sản phẩm có phản hồi tích cực, khách hàng đều khen ngon, nhất là có hương vị đặc trưng. Tiếng lành đồn xa nên từ vụ sau, không chỉ các chủ sạp, cửa hàng mà cả các thương lái đến tận nhà tìm mua, đặt hàng trước. Hiện nay, 4 ha cây sầu riêng do gia đình anh trồng đang được xây dựng đăng ký OCOP.

“Làm kinh tế nông nghiệp không khó nhưng cũng không dễ, có lúc thăng trầm nhưng quan trọng là không được nản chí, chịu khó học hỏi kiến thức về trồng trọt, kinh nghiệm từ các mô hình ngoài thực tế..., áp dụng mới thành công được”, anh Xuân chia sẻ.

 Bà Lê Thị Kim Cương, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp, cho biết Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết đại hội Đảng các cấp; đặc biệt là Quy định số 15-QĐ/TW ngày 28-8-2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đảng viên làm kinh tế tư nhân đã mở ra cơ hội cho đảng viên, nhất là đảng viên trẻ có điều kiện làm kinh tế tư nhân và không bị bó hẹp về quy mô, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhờ đó, xã cũng đã tập trung phát huy được tiềm năng, thế mạnh về đất đai, con người, sản xuất theo hướng chuyên canh hàng hóa. Điển hình cho sự phát triển này là việc hình thành các mô hình HTX, kinh tế trang trại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tái đầu tư cho nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững…

 ĐỖ TRỌNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1143
Quay lên trên