Khi logistics xanh không còn là xu hướng…
(BDO) Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Bình Dương ưu tiên phát triển đa dạng hệ sinh thái logistics. Trong đó, ưu tiên phát triển dịch vụ logistics xanh để nâng cao giá trị hàng hóa. Phát triển dịch vụ logistics xanh còn giúp Bình Dương trở thành địa phương mạnh về xuất khẩu dịch vụ vận tải trong những năm tới, nhất là khi Bình Dương đã và đang xây dựng một nền công nghiệp xanh.
Trên thực tế, việc xanh hóa dịch vụ logistics không chỉ thuần túy thay đổi hình ảnh truyền thống của ngành dịch vụ hết sức quan trọng này mà còn góp phần gia tăng thị phần của ngành gắn với các chuỗi cung ứng bền vững. Bởi logistics xanh không còn dừng lại ở mức độ xu hướng nữa mà đã nhanh chóng trở thành yêu cầu bắt buộc, là tiêu chí quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp logistics mở cửa thị trường và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiệp hội Logistics Bình Dương đã định hình các xu hướng thị trường logistics trong năm 2024 và những năm tiếp theo là vận tải đường bộ sẽ song hành cùng phát triển mạng lưới đường bộ. Đồng thời, điều tiên quyết khi phát triển vận tải nội địa là kết nối cảng biển với hệ thống cảng thủy nội địa, đường cao tốc, đường sắt. Trong đó, những vấn đề như chuyển đổi số trong hải quan, đào tạo kỹ năng xanh cho nguồn nhân lực… sẽ là yếu tố quan trọng góp phần định hướng cho sự phát triển xanh, bền vững của ngành logistics của Bình Dương.
Trước mắt, doanh nghiệp logistics của Bình Dương cùng nhau liên kết, chuyển đổi số… để cắt giảm chi phí, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường mới; tăng cường hoạt động hậu mãi để gắn kết khách hàng; chuẩn bị đủ nguồn vốn cho thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số. Song song đó, Hiệp hội Logistics Bình Dương cũng nỗ lực kết nối thương mại giữa các vùng kinh tế giúp giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.
TIỂU MY