Khi nào thì giao dịch dân sự phải được sự đồng ý của cả hai vợ chồng?

Cập nhật: 11-02-2023 | 07:32:34

Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, trên cơ sở thực hiện các nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng thì khi quyết định các vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống chung, pháp luật bắt buộc phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Theo đó, pháp luật quy định vợ/chồng cũng có thể tự mình quyết định thực hiện việc giao dịch dân sự. Tuy nhiên, đối với một số giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của cả vợ và chồng.

Thứ nhất, giao dịch liên quan đến một số tài sản chung của vợ chồng.

Theo quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, các giao dịch về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng sẽ do vợ chồng thỏa thuận (sự đồng ý của vợ và chồng).

Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, không cần có sự thỏa thuận của vợ chồng. (Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình).

* Tài sản chung của vợ chồng gồm:

- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân;

- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân:

+ Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình.

+ Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình.

- Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân:

+ Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp…

+ Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.

+ Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Trong trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.

- Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

+ Bất động sản gồm: Đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng, tài sản khác theo quy định của pháp luật…

+ Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, như: Tàu biển, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, phương tiện giao thông cơ giới, tàu cá, phương tiện giao thông đường sắt, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…

+ Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định về thỏa thuận bằng văn bản thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.

Lưu ý: Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ những trường hợp định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng nêu trên.

Thứ hai: Giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng.

Theo quy định tại Điều 31 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau:

Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng có thể là tài sản chung của vợ chồng, không phải tài sản riêng của vợ/chồng như nhà thuê… thì cần phải có sự đồng ý của vợ và chồng. Trừ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó, không cần sự đồng ý của bên còn lại nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ/chồng.

Do đó, khi xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự đồng ý của vợ chồng.

Thứ ba: Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của vợ/ chồng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản này là nguồn sống duy nhất của gia đình.

Theo khoản 4 Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định thì trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.

Như vậy, trên đây là 3 trường hợp giao dịch liên quan đến tài sản mà vợ/chồng cần chú ý để có sự thống nhất, thỏa thuận của cả hai trước khi đưa ra quyết định chuyển quyền cũng như định đoạt tài sản để hạn chế việc tranh chấp tài sản.

HỘI LUẬT GIA TỈNH BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên