Khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO…

Cập nhật: 19-05-2022 | 10:23:24

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đang mở ra cơ hội để Phần Lan và Thụy Điển nhanh chóng được kết nạp vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi cả hai quốc gia Bắc Âu này đang phải cân nhắc lại chính sách an ninh lâu nay của mình trước những diễn biến leo thang ở Ukraine.

Truyền thông thế giới những ngày gần đây liên tục đưa tin Phần Lan và Thụy Điển đang chuẩn bị cho một lộ trình chính thức gia nhập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương, đánh dấu một sự thay đổi lập trường của hai quốc gia từ lâu vẫn áp dụng cách tiếp cận cân bằng giữa Nga và phương Tây.

Những động lực

Thái độ ủng hộ của công chúng, sự nhất trí của các đảng chính trị, sự nồng nhiệt chào đón từ NATO và đặc biệt là những dấu hiệu leo thang căng thẳng ở chiến trường Ukraine là những lý do thôi thúc Phần Lan và nước láng giềng Thụy Điển đi đến quyết định này.


Phần Lan và Thụy Điển sẽ đưa ra quyết định lịch sử gia nhập NATO?

Trang “Financial Times” cho biết lộ trình chính thức để Phần Lan trở thành thành viên NATO sẽ được bắt đầu với một tuyên bố được Tổng thống Sauli Niinisto dự kiến đưa ra trong tuần này và Stokholm sẽ nối bước Helsinki sau vài ngày nữa. Cả hai dự kiến sẽ cùng bày tỏ nguyện vọng gia nhập NATO trong tuần tới.

Cựu Tổng Thư ký NATO Anders Rasmussen hôm 7-5 tuyên bố Phần Lan và Thụy Điển cần gia nhập NATO ngay bây giờ khi nước Nga đang dồn sức cho cuộc chiến ở Ukraine. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó cũng nói rằng cả hai quốc gia đều sẽ được chào đón nồng nhiệt. Ông nhấn mạnh rằng NATO sẽ vui mừng khi thấy Phần Lan và Thụy Điển đứng trong hàng ngũ của mình và sẽ tạo cơ hội cho họ nhanh chóng gia nhập liên minh. Trong khi đó, đại diện thường trực Mỹ tại NATO Julianne Smith cho biết, Mỹ sẽ hoan nghênh việc các nước này gia nhập liên minh.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Martin mới đây cho biết đất nước của bà sẽ quyết định đệ trình đơn xin gia nhập NATO trong “vài tuần, chứ không phải vài tháng nữa”, với lý do là cuộc chiến tại Ukraine đã “thay đổi tất cả”. Nhiều cuộc thăm dò dư luận gần đây đã chỉ ra rằng ít nhất 60% người Phần Lan hiện ủng hộ nước này gia nhập NATO, một sự gia tăng đáng kể so với tỷ lệ khoảng 30% trong những năm trước đây.

Động thái này của Phần Lan sẽ khiến Thụy Điển đẩy nhanh kế hoạch gia nhập NATO, bởi kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, hai nước này đã theo đuổi một lộ trình tương tự nhau, mặc dù con đường đó sẽ khó khăn hơn với Thụy Điển. Mới đây, Thủ tướng Phần Lan đã có mặt tại Stockholm để hội đàm với người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Anderssonvà thảo luân về vấn đề gia nhập NATO.

Một lý do khác thúc đẩy đảng Dân chủ Xã hội của Thụy Điển cân nhắc lại lập trường của mình là việc họ không muốn vấn đề an ninh phủ bóng lên các cuộc bầu cử quốc hội vào mùa thu này, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy đa số ủng hộ nước này gia nhập tổ chức quân sự.

Kết quả là, ngày 9-5, đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền tại Thụy Điển cho biết vào ngày 15-5 tới, đảng sẽ đưa ra quyết định có thay đổi lập trường lâu nay - phản đối việc trở thành thành viên của NATO - hay không.

Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu Phần Lan và Thụy Điển thực sự trở thành thành viên của NATO?

Tác động đến cục diện cuộc chiến Nga-Ukraine

Nếu triển vọng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO diễn ra đúng như dự đoán, bản đồ an ninh châu Âu sẽ được vẽ lại theo cách mà chưa từng ai có thể tưởng tượng. Nó đồng nghĩa với việc đường biên giới của Nga với NATO sẽ dài hơn gấp đôi. Đây không chỉ là tin xấu với Điện Kremlin, mà việc kết nạp thêm 2 nước Bắc Âu còn đem lại lợi ích cho NATO.

Bất chấp dân số tương đối nhỏ của mình, Phần Lan vẫn là một cường quốc quân sự đáng gờm mà trên thực tế đã có một sự liên kết không chính thức với phương Tây từ nhiều thập kỷ qua. Quân đội của nước này từ nhiều thập kỷ qua đã sử dụng các trang thiết bị quân sự mua của Mỹ để phù hợp với các đồng minh NATO, giúp nước này có thể dễ dàng tham gia các sứ mệnh của NATO nếu đó là lựa chọn của họ.

Phần Lan sở hữu một trong những kho vũ khí lớn nhất, đội ngũ tình báo giỏi nhất và những năng lực mạng tinh vi nhất tại châu Âu. Điều này khiến quốc gia Bắc Âu trở thành một tài sản an ninh lý tưởng đối với liên minh quân sự. Thụy Điển cũng vậy, đặc biệt là các năng lực trên không và trên biển.

Chắc chắn là việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ là một cú sốc với Nga, không chỉ bởi điều đó đồng nghĩa với việc Nga sẽ có thêm hơn 800 dặm biên giới chung với liên minh và về mặt biểu tượng, nó còn giúp củng cố thêm liên minh chống Nga đã nổi lên kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra.

Các quốc gia từng có thái độ trung lập này đang cung cấp các khoản tài trợ và vũ khí cho Ukraine. Dĩ nhiên, hiện có nhiều lo ngại về cách Nga sẽ phản ứng với vấn đề này. Lunde Saxi, phó giáo sư tại Đại học Quốc phòng Na Uy, cho rằng bất cứ động thái nào hướng đến việc Phần Lan gia nhập NATO đều “có khả năng kích động một sự triển khai quân sự của Nga ở đường biên giới mới của NATO với Nga, điều không hề có lợi cho an ninh của Phần Lan hay châu Âu”.

Đối với Thụy Điển, Anh cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ nếu quốc gia này bị tấn công, theo đó Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson ngày 11-5 đã ký một thỏa thuận đảm bảo an ninh ở ngoại ô thủ đô Stockholm.

Ngoài ra, theo nhận định của viện sĩ Alexei Arbatov, người đứng đầu Trung tâm An ninh quốc tế của IMEMO thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Thụy Điển và Phần Lan có thể đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí hạt nhân sau khi gia nhập NATO nếu họ cảm thấy an ninh của mình bị đe dọa.

Nhìn chung, cuộc chiến của Nga với Ukraine đã dẫn đến sự thay đổi chính sách quốc phòng ở châu Âu. Các nước đã chịu chi tiêu nhiều hơn cho lĩnh vực quân sự, gửi nhiều vũ khí hơn đến Ukraine và - trong trường hợp của Phần Lan và Thụy Điển - điều đó đã giúp làm gia tăng sự ủng hộ việc gia nhập NATO.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên