Khí thế hào hùng của cuộc Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 qua lời kể của những chứng nhân lịch sử

Cập nhật: 19-08-2010 | 00:00:00

Cuộc tổng khởi nghĩa 19-8-1945 đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Dù đã trải qua 65 năm nhưng kỷ niệm về những ngày lịch sử hào hùng ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của những thanh niên, cán bộ, chiến sĩ tiền khởi nghĩa ngày nào. Và hiện tại dù đã trở thành những cụ ông, cụ bà với độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi kể về cuộc tổng khởi nghĩa họ lại say sưa đến lạ thường...

- Bác NGUYỄN HẬU TÀI (cán bộ trong Đội Thanh niên Tiền phong (TNTP) tỉnh ngày ấy):

Đã bước sang tuổi 96 nhưng bác Tài vẫn nhớ như in về những ngày lịch sử hào hùng, bác kể: “Lúc đó, tôi đã 30 tuổi và là thành viên trong Đội TNTP của tỉnh, tôi được giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tuyên truyền như giăng biểu ngữ, treo cờ... Để chuẩn bị cho ngày lật đổ chính quyền tay sai, lực lượng của ta đã bí mật tập hợp lực lượng và những điều kiện cần thiết khác. Đúng 7 giờ ngày 25-8-1945, hơn 5 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ của các quận Châu Thành (TX.TDM bây giờ), Lái Thiêu, Dầu Tiếng... trong đó có rất đông đồng bào là người dân tộc thiểu số với cờ, biểu ngữ, gậy gộc, súng ống... khí thế ngút trời rầm rầm tiến về trước trụ sở Ủy ban quận Châu Thành (UBND phường Phú Cường bây giờ), đoàn người đứng chật cứng hết mọi ngả đường, vừa đi vừa hô vang: “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”... Những khẩu hiệu đó được hàng vạn đồng bào cùng đồng thanh hô vang khiến bọn Nhật khiếp sợ không dám chống cự”.

 Ngưng một lát, bác Tài nói tiếp: “Cho đến bây giờ, cái không khí hào hùng của ngày ấy vẫn còn nguyên trong trí nhớ của tôi, mỗi lần nghĩ tới tôi lại thấy rạo rực, khí thế như trở về cái tuổi 30 ngày nào. Phải nói, sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân trong ngày tổng khởi nghĩa ấy đã minh chứng cho sự đoàn kết toàn dân. Ý chí đánh đuổi quân xâm lược như nằm trong trái tim của mọi người dân và ngày ấy là thời điểm chín muồi để những giọt máu nhiệt huyết trong trái tim của mọi người muốn được đổ xuống để tô thắm hơn cho lá cờ Tổ quốc, cho nền độc lập, tự do của nước nhà.Dòng người sau khi tập trung về trước Ủy ban quận Châu Thành (lúc này tay quận trưởng tay sai là Lương Sơn Khai đã bỏ trốn). Đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban khởi nghĩa đã đọc diễn văn tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Không khí lúc đó như muốn nổ tung khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đọc xong diễn văn. Mọi người ôm nhau chúc mừng, hô vang khẩu hiệu xen lẫn lời ca tiếng hát sôi sục của nam nữ thanh niên.

Phải nói đây là một cuộc cách mạng “vô tiền khoáng hậu” vì nó không mang tính khốc liệt nhưng lại đem đến sự thành công vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Thành công của cuộc Cách mạng Tháng 8-1945 đã biến nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước”.

- Bác NGUYỄN THỊ RẺ (Đội trưởng Phụ nữ Tiền phong xã Tân Hóa Khánh bấy giờ)

Bác Rẻ là người sớm giác ngộ cách mạng bởi trong gia đình đều hoạt động cách mạng. Bác Rẻ kể: “Lúc 18, 19 tuổi, tôi đã làm liên lạc cho người bác ruột của mình là ông Nguyễn Quang Vững, lúc đó là đoàn trưởng TNTP Tân Hóa Khánh (xã Tân Vĩnh Hiệp bây giờ), nhiệm vụ của tôi là thường xuyên giao và nhận thư từ qua lại cho người bác ruột và đồng đội của bác mình.

Chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa, bác được người bác ruột kêu lên và phân công làm Đội trưởng Phụ nữ Tiền phong xã Tân Hóa Khánh, lúc đó bác 21 tuổi. Bác Rẻ nhớ lại: “Không khí ngày đó sục sôi, khí thế không thể tả hết. Trước ngày 25-8-1945, mọi người đã chuẩn bị cờ, biểu ngữ, gậy gộc và tập hợp lực lượng. Mới 2 giờ sáng ngày 25-8-1945, gần 200 thanh niên nam nữ đã tập trung đông đủ tại xã, sau đó đoàn người cùng nhau tiến về trung tâm thị xã, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu và hát vang bài ca “Lên đàng”. Không khí và tinh thần của người dân ngày hôm ấy lên đến đỉnh điểm, mọi người cùng nắm chặt tay nhau thể hiện sự quyết tâm phải giành cho được độc lập, tự do từ tay giặc ngoại xâm. Trên đường đi, đoàn người nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, rất nhiều người đã hòa mình cùng với lực lượng để tiến về trung tâm thị xã”.

 “Đó là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của tôi. Không có gì tả được sự vui sướng khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tuyên bố chính quyền đã về tay nhân dân. Rất nhiều người đã khóc vì quá vui mừng, trong đó có tôi, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc” - bác Rẻ nói.

 Sau những ngày lịch sử ấy, người phụ nữ Nguyễn Thị Rẻ tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng và bị địch bắt đày đi Côn Đảo một thời gian. Nhưng với sự kiên trung, một lòng vì sự nghiệp cách mạng, bác Rẻ không hề khai báo. Sau khi ra tù, bác tiếp tục sự nghiệp cách mạng của mình với nhiều chức vụ quan trọng tại các cơ quan hành chính tỉnh Sông Bé.

Hiện đã bước sang tuổi 86 nhưng bác Rẻ vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Trước khi chia tay, bác cầm tay dặn dò chúng tôi: “Thế hệ các cháu phải hết sức trân trọng những thành quả mà ông cha ta đã để lại, họ đã không tiếc máu xương để giành độc lập, tự do, các cháu phải tiếp tục xây dựng và gìn giữ. Phải xây đất nước ngày càng vững mạnh...”.

NHÂN QUANG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên