Giáo dục STEM/ STEAM đang ngày càng phổ biến trong các trường học và trở thành hướng tiếp cận mới, giúp học sinh phát triển tư duy toàn diện và năng lực giải quyết vấn đề. Ngày hội STEM với chủ đề “Toán học và ứng dụng” do trường THPT Võ Minh Đức tổ chức đã thực sự trở thành một sân chơi khoa học đúng nghĩa, nơi học sinh được vận dụng kiến thức để sáng tạo, khám phá và biến toán học thành những mô hình sống động gắn liền với thực tiễn.

Mỗi sản phẩm - một giấc mơ
Trong buổi sáng diễn ra hoạt động này, sân trường Võ Minh Đức như trở thành một không gian trưng bày khoa học thu nhỏ, nơi các em học sinh mang đến những sản phẩm do chính tay mình thiết kế và chế tạo. Mỗi lớp là một gian hàng, mỗi gian hàng là một câu chuyện sáng tạo. Từ mô hình tế bào động vật, vòng tuần hoàn nước, đến các sản phẩm gắn liền với thực tiễn như bình chữa cháy mini, thùng rác thông minh, hay mũ bảo hiểm tích hợp công nghệ…
Dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn toán, các nhóm học sinh đã vận dụng kiến thức từ hình học không gian, vật lý, công nghệ cho đến kỹ năng trình bày và làm việc nhóm, đúng với tinh thần liên kết của giáo dục STEM/ STEAM hiện đại. Em Võ Đăng Khôi, học sinh lớp 12.1, cho biết với mong muốn giúp những ai lần đầu đến trường THPT Võ Minh Đức có thể hình dung tổng quát hơn về khuôn viên của trường, nhóm đã thực hiện “Mô hình trường THPT Võ Minh Đức”. Qua quá trình thực hiện, các thành viên đã áp dụng hình parabol, hình hộp chữ nhật trong không gian, đường thẳng trong không gian để tạo nên mô hình 3D với tỷ lệ 1:500. Với các thành viên, đây không chỉ là một mô hình mà đó là một phần trong 3 năm cấp 3 đầy kỷ niệm của những thế hệ học sinh Võ Minh Đức sau này.
Đại diện ban giám khảo, thầy Lê Đoàn Minh Thái, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi rất bất ngờ với sự sáng tạo và tinh thần nghiêm túc của học sinh. Các em đã thực sự khiến toán học trở nên sống động, từ trang sách bước ra đời thực”.
Qua 2 vòng chấm, ban giám khảo đã chọn ra 16 sản phẩm vào vòng thuyết trình. Tại vòng này, các em học sinh đã thể hiện niềm đam mê và cách vận dụng những kiến thức đã học từ môn toán và các môn liên quan để giới thiệu sản phẩm do chính mình cùng đồng đội tạo nên.
Truyền cảm hứng khám phá
Giáo dục STEM không còn là khái niệm xa lạ, nhưng việc đưa STEM trở thành một phần thiết thực và hiệu quả trong giảng dạy ở bậc phổ thông vẫn là hành trình cần sự kiên trì, đổi mới và tâm huyết. Những năm gần đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn lựa chọn STEM như một hướng đi chiến lược để làm mới cách dạy - cách học các môn khoa học.
Theo thầy Phạm Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng THPT Võ Minh Đức, Ngày hội STEM với chủ đề “Toán học và ứng dụng” là một sinh hoạt nhằm lan tỏa niềm đam mê khoa học, khơi gợi tinh thần khám phá và sáng tạo trong học sinh. “Thông qua ngày hội này, nhà trường mong muốn góp phần thay đổi cách tiếp cận môn toán, giúp các em học sinh phát triển tư duy logic, năng lực giải quyết vấn đề và làm việc nhóm. Đây còn là dịp để các em học sinh vận dụng kiến thức toán học vào thực tiễn, là cơ hội để các em khám phá đam mê, khơi dậy ước mơ và nuôi dưỡng tinh thần khoa học trong hành trình học tập của mình”, thầy Tuấn nói.
Với những kết quả đạt được tại Ngày hội STEM của trường THPT Võ Minh Đức, ngày hội không chỉ là dịp để các em học sinh vận dụng kiến thức toán học vào thực tiễn, mà còn là cơ hội để các em khám phá đam mê, khơi dậy ước mơ và nuôi dưỡng tinh thần khoa học trong hành trình học tập của mình. Mỗi mô hình, mỗi sản phẩm mà các em học sinh mang đến ngày hội đều thể hiện sự cố gắng, tư duy và lòng say mê học hỏi. Rất cần có nhiều sân chơi như thế trong học đường.
Ban tổ chức đã trao 10 giải thưởng, gồm: “Mô hình trường THPT Võ Minh Đức” của lớp 12.1 xuất sắc đoạt giải nhất. Giải nhì thuộc về “Cán cân số học” của lớp 11.1 và “Cầu vòm” của lớp 11.8. Giải ba thuộc về “Lều sàn trên cây” của lớp 12.6; “Mô hình tái tạo điện từ gió và nước” của lớp 11.7 và“Mô hình hầm Hải Vân” của lớp 10.3. Giải khuyến khích thuộc về “Mũ bảo hiểm thông minh” của nhóm tác giả 3HIT; “Vòng quay mặt trời - đồ chơi cho trẻ em” của lớp 12.8; “Máy bay điều khiển từ xa” của lớp 10.3; “Cánh tay Robot thủy lực” của lớp 10.6 và“Mô hình xoay hình học không gian” của nhóm tác giả BTS. ![]() |
THỤC VĂN