Khi trẻ không được đến trường...

Cập nhật: 17-11-2012 | 00:00:00

Số lượng hơn 700.000 lao động đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương, trong đó có 65% lao động nhập cư từ các tỉnh đổ về là một áp lực lớn về vấn đề nhà ở, giáo dục và nhiều chính sách xã hội khác. Tuy nhiên, trái ngược với sự nỗ lực hết sức từ chính quyền các cấp và ngành chức năng địa phương, có nhiều bậc phụ huynh chưa thật sự quan tâm cho tương lai con em mình nên vẫn có nhiều đứa trẻ lang thang kiếm sống, không có cơ hội đến trường. Vấn đề đặt ra ở đây là sẽ có một bộ phận thanh thiếu niên thiếu hụt tri thức, không được bảo đảm quyền học tập và để lại những hậu quả tiêu cực cho xã hội trong tương lai.

 Trẻ thiệt thòi

Có dịp xuống địa bàn đông lao động nhập cư như TX.Dĩ An hoặc Thuận An, sẽ chẳng khó khăn gì để bắt gặp những hình ảnh mỗi sáng, thay vì được cắp sách đến trường, nhiều em nhỏ lại phải vội vã, mắt dáo dác cầm trên tay chiếc bao đi nhặt phế liệu. Gặp cậu bé Thi (12 tuổi) ở phường Dĩ An, mắt vừa đảo quanh kiếm tìm, tay vừa cầm xấp vé số đi mời bán quanh quán cà phê. Khi được hỏi sao không đến trường, cậu trả lời cộc lốc: “Thích đi làm kiếm tiền hơn”. Cậu bé cho biết, ban ngày ba mẹ đi làm, Thi được “giao” nhiệm vụ đi nhặt ve chai: “dồn 3 - 4 ngày rồi mang đi bán, cũng được 40.000 - 50.000 đồng đưa mẹ mua gạo”.  

 Không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ không được cha mẹ quan tâm vùi đầu vào game online, phim đen

Có lần tình cờ vào tiệm internet ở phường Bình Chuẩn (TX.Thuận An), tôi đã giật mình vì trong giờ học mà tiệm có đến cả chục cậu bé đang ngồi chơi game với những lời lẽ hết sức thô tục. Hỏi chủ quán thì được biết mấy cậu bé này là “mối ruột” của tiệm. Ngày nào cũng hẹn nhau “cày” game online ở đây. Được biết, cha mẹ của những em nhỏ này thường xuyên bận bịu công việc nên không có thời gian quán xuyến con cái, không để ý xem con mình tới trường hay bỏ học đi chơi. Bạn nhỏ Nguyễn Thị Thu Trang (lớp 8, trường THCS Vĩnh Hòa, Phú Giáo) đã tỏ ra lo lắng cho tương lai của các bạn đồng lứa khi thấy: “Trước cổng trường em có rất nhiều tiệm game. Nhưng, nhiều bạn vẫn chưa ý thức được mặt tốt, xấu của “thế giới ảo” nên đã tò mò vào các trang web không lành mạnh, chơi các trò chơi bạo lực, gây ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và tư duy non nớt”. Hay như trường hợp của bé Phạm Thị Bích Trâm (10 tuổi, phường Bình Hòa, TX.Thuận An) theo cha mẹ từ An Giang lên đây làm thuê, cho biết: “Em rất muốn đi học, nhưng vì ba mẹ hay thay đổi chỗ làm nên em cũng đi theo. Từ nhỏ tới giờ em chưa bao giờ đến trường!”...

Trong khi người ta “đạp đổ cổng trường” để xin cho con vào lớp 1, thức trắng đêm để mong nộp được hồ sơ vào trường cho con... hay chắt chiu, chạy ăn từng bữa để con được đến trường thì vẫn có một số gia đình khác dường như chưa ý thức đến chuyện tương lai của con em mình.

Sự chung tay của cả xã hội

Sự gia tăng tỷ lệ người nhập cư kéo theo hàng loạt áp lực về các chính sách xã hội nhưng Bình Dương vẫn luôn đánh giá cao vai trò của người nhập cư khi họ là một trong những nhân tố góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Việc thành lập trung tâm hỗ trợ thanh niên nhập cư, triển khai nhân rộng mô hình chi hội nhà trọ, thành lập các tổ hỗ trợ công nhân xa quê và mở các lớp học tình thương để dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con em công nhân là việc làm hết sức thiết thực và hữu ích của các địa phương.

Ngay trước khi bắt đầu tuyển sinh đầu cấp, các trường mầm non, tiểu học trong tỉnh đã phối hợp với địa phương, ban điều hành khu phố rà soát, thống kê số học sinh (HS) trong độ tuổi đến trường. HS thuộc diện tạm trú cũng được quan tâm, đưa vào danh sách và mời gọi phụ huynh đến trường đăng ký cho con em. Đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh cho biết, đối với trẻ là con em của công nhân (CN) là người nhập cư, không có hộ khẩu ở Bình Dương thì con của họ theo học ở các trường tại địa phương mà bố mẹ đăng ký tạm trú. Chính sách hỗ trợ các khoản phí cho con CN theo quy định chung của trường, ngành giáo dục, áp dụng cho mọi đối tượng HS. Đối với HS là con em của CN có hoàn cảnh khó khăn, các trường có thể xét miễn giảm học phí, hoặc trao học bổng. Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cũng đã chia sẻ, chăm lo việc học tập cho HS nói chung là trách nhiệm của ngành giáo dục và toàn xã hội. Số HS gia tăng hàng năm, trường lớp được xây dựng thêm, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp, nhưng ngành cũng cố gắng sắp xếp để bảo đảm sĩ số HS ở lớp học và bảo đảm tất cả HS đều được đến trường. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục cũng đang được triển khai mở rộng. Một số công ty trong các KCN đã quan tâm xây dựng nhà trẻ, đáp ứng được phần nào nhu cầu gửi con của công nhân. Theo khoản 2, điều 116 Bộ luật Lao động quy định: Những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo.

Như vậy, cùng với sự chung tay của cả xã hội, các “mầm non” đã có những cơ hội, được tạo điều kiện hết mức để có thể đảm bảo một tương lai tươi sáng. Vấn đề quan trọng ở đây là ở suy nghĩ, tư tưởng của cha mẹ các em. Họ có thực sự lo lắng cho tương lai con em mình và cũng là tương lai của gia đình hay không? Những điều phải làm, cả xã hội đã và đang cùng chung tay giúp đỡ. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn xuất phát từ một “tế bào của xã hội” đó là gia đình. Cha mẹ nên quan tâm đúng mức đến sự học hành của con cái. Đó vừa là bảo đảm quyền lợi của trẻ, vừa là cách để xây dựng cho con em mình một tương lai tươi sáng.

 

 Thạc sĩ LÊ VĂN THÀNH, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM: Hợp pháp hóa tư cách của trẻ

Trước hết, mình phải hợp pháp hóa tư cách của đứa trẻ, phải xem như nó là một đứa trẻ của địa phương và được hưởng các quyền lợi. Theo đó, khi lập kế hoạch về giáo dục, hoặc là về các mặt khác thì đứa trẻ mới có sự hiện diện và sẽ thấy đó là nghĩa vụ mà xã hội phải chăm lo. Xã hội ở đây là Nhà nước, thành phần kinh tế, các doanh nghiệp… khi có kế hoạch chúng ta sẽ biết trong KCN đó có bao nhiêu trẻ em và sẽ được chăm lo như thế nào

 

 THANH LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=421
Quay lên trên
X