“Đồng bạc xanh” trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng nóng trong những ngày qua khi được hỗ trợ bởi các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã củng cố khả năng lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn. Trong nước gần đây, tỷ giá USD liên tục tăng, hiện đã vượt 24.000 đồng/USD.
Đánh giá về mức độ biến động của tỷ giá trong vài ngày gần đây, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng thực tế khi đồng USD tăng giá sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi, bởi khi tỷ giá USD/VND tăng sẽ giúp doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang VND cũng tăng theo. Phiên tỷ giá mới nhất chỉ tăng 1% so với đầu năm, mức tăng này chẳng thấm tháp gì nhưng đây cũng là dấu hiệu khởi sắc cho doanh nghiệp xuất khẩu. Theo các chuyên gia, áp lực tăng tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ không cao, bởi nhiều khả năng Fed ( Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) sẽ chỉ còn tăng lãi suất thêm một lần nữa.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng tỷ giá tăng khiến chi phí mua ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu cũng tăng theo, trong khi hợp đồng cung cấp hàng hóa đã ký với các đối tác không thể điều chỉnh nâng giá bán. Chưa kể giá USD tăng cũng khiến các khoản phí liên quan đến logistics tăng theo. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp buộc phải chấp nhận “bóp” lợi nhuận để duy trì tính cạnh tranh.
Xét ở góc độ người tiêu dùng, khi USD tăng cao, sử dụng sản phẩm nhập khẩu giá có thể đắt hơn. Đây sẽ là cơ hội cho hàng Việt tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu cùng loại tại thị trường nội địa. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể đẩy mạnh tìm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, thu về nguồn ngoại tệ lớn.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Bình Dương hội nhập sâu rộng, độ mở nền kinh tế lớn nên biến động tỷ giá, lãi suất ngân hàng từ các thịtrường sẽ tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế. Bình Dương nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, thu ngân sách Nhà nước… nên mức độ ảnh hưởng của tỷ giá tăng cũng sẽ lớn hơn so với nhiều địa phương khác.
Trước bối cảnh USD có thể còn biến động theo chiều hướng tăng, giải pháp giúp doanh nghiệp sản xuất bớt bị ảnh hưởng là tăng tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước, giảm nhập khẩu. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi kép, đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm để được hưởng ưu đãi về thuế quan.
KHẢI ANH