Trên địa bàn TX.TDM hiện có đến 5 siêu thị (ST) lớn nhỏ. Nhiều ST hoạt động giúp người tiêu dùng có nhiều cách lựa chọn khi đi chợ. Nhưng xem ra, vẫn còn nhiều... hạt sạn phải nhặt bỏ để ST thực sự là nơi cần đến và thích đến của người tiêu dùng...
Lộn xộn như... chợ!
Hàng hóa ở các ST được sắp đặt khá gọn gàng, theo từng khu vực riêng nhưng nếu để ý, mọi người sẽ thấy mọi thứ bị... xáo tung sau vài lượt khách nâng lên hạ xuống, lật qua lật lại. Mua hay không thì họ cũng xới tìm, mạnh tay làm... bầm giập rau như khi đi chợ. Một người bạn tôi nói vui khi cùng đi ST rằng, chúng ta không thể bỏ “văn hóa săm soi”, lựa từng mớ rau, mớ cá như khi đi chợ truyền thống. Sau một lượt khách, nhân viên (NV) ST lại... nhăn mặt đến sắp xếp lại mọi thứ. Chưa kể nhiều chị dắt con nhỏ đi theo và các bé mặc sức... tung hoành trong ST. Con nít thích gì lấy nấy và khi những ông bố, bà mẹ phát hiện món hàng mình không định mua thì y như rằng, cả gói hàng được... quăng trở lại quầy không thương tiếc.
Chất lượng hàng hóa cũng... lộn xộn không kém! Chị Minh, một khách hàng đang lựa chọn rau xanh ở ST Co.opmart nói với tôi: “Tôi khá bận rộn nên thường chọn giải pháp đi ST mua thực phẩm dùng cho mấy ngày. Khi mua, tôi chọn những thứ đã qua sơ chế để về nấu nướng cho nhanh. Rau thì tôi thường mua ở ST để an tâm dù không biết có phải rau sạch hay không. Trước, tôi hay đi ST... ở gần nhà, có lần mua cà chua về toàn bị úng, mấy bịch rau thì úa lá, bầm giập hết trơn. Khi mua, tôi chỉ lấy đại chứ không lựa chọn gì bởi theo tôi, NV cần phải kiểm tra chất lượng hàng hóa thường xuyên, kiểm tra hạn sử dụng để người tiêu dùng khỏi mất công nhìn ngó, săm soi từng món hàng”.
Cảnh chen lấn thường thấy ở quầy tính tiền. Chen nhau tính tiền trước, chỉ mong được việc của mình mà không để ý gì đến cảm nhận của người xung quanh là điều gây bực bội cho những người chọn ST làm nơi đi chợ mỗi ngày. Để tránh tình trạng ùn tắc và giúp đỡ người tàn tật, người già, phụ nữ mang thai... nên những đối tượng này thường được ưu tiên tính tiền trước ở quầy VIP. Tuy nhiên, hầu như không để ý đến điều này, ai nấy tranh nhau đẩy hàng đến khu vực VIP để được tính tiền trước. Nhiều người còn bỏ hẳn những món đồ của mình lên bàn thu ngân và khi bị khách hàng trước đó tỏ ý không hài lòng thì họ vẫn tỉnh bơ... ngó lơ đi chỗ khác. Nói nữa họ đáp cụt lủn: “Tui có mấy thứ à, tính trước cho tui đi”.
Đi mỏi chân không gặp... nụ cười!
Trừ những khu vực bán thức ăn nhanh khá “giàu” nụ cười và lời chào mời của NV phục vụ, còn lại các quầy hàng khác trong các ST ai nấy... buồn quá! Rất hiếm hoi những nụ cười dành cho khách.
Người viết bài này một lần... tiu nghỉu trước cách cư xử của một NV cửa hàng giày dép. Sau một hồi lựa chọn, tôi mua đôi dép và thử thấy rộng nên đề nghị đổi số nhỏ hơn. Cô NV mặt lạnh te nói có 2 tiếng “hết số” rồi bỏ đi chỗ khác. Nghĩa là không còn số thích hợp với khách nhưng giá như, cô nói một câu dài hơn, nhã nhặn hơn hay... khuyến mãi cho khách một nụ cười chắc rằng, khách sẽ quay lại khi quầy dép... có số mà khách hàng muốn chọn.
Một lần, tôi chứng kiến cảnh một NV thu ngân nhập nhầm mã số hay sao đó mà gói mì ăn liền có giá 1.800 đồng lại “nhảy” đến 1,8 triệu đồng! Cô bối rối gọi đồng nghiệp đến nhờ giúp. Khách hàng cũng vội nên khá khó chịu vì quy trình tính tiền lâu. Tuy nhiên, gần chục phút tính đi tính lại như thế, NV vẫn không nói một câu xin lỗi hay cười với khách một cái cho mọi chuyện nhẹ nhàng hơn. Một câu nói tỏ ra quan tâm, một nụ cười thân thiện sẽ quý và đúng lúc biết bao trong tình huống này.
Với những ghi nhận trên đây, mong rằng cả người đi mua và người bán hàng ở ST sẽ cải thiện văn hóa mua bán. Bởi, đi ST là mọi người đang... hưởng thụ một cách mua sắm văn minh, lịch sự, tiện ích và thoải mái.
QUỲNH NHƯ