Vụ việc đã được tòa án giải quyết xong
Theo đơn phản ánh mà ông Ve gửi đến Báo Bình Dương: Năm 2009, bà T.N.D cùng ngụ tại P.Tân Bình, TX.Dĩ An có làm đơn khởi kiện ông ra tòa để đòi lại miếng đất có diện tích 1.476m2 tọa lạc tại P.Tân Bình, TX.Dĩ An. Theo bà D. thì diện tích đất trên có nguồn gốc của cha bà nhưng đã bị cơ quan thẩm quyền cấp trùng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) của ông Ve. Còn về phía ông Ve thì cho rằng, nguồn gốc đất này là của ông bà, cha mẹ ông. Sau năm 1975, ông về khai phá và cho cha của bà D. mượn để canh tác. Khoảng 3 năm sau, ông Ve lấy lại và quản lý, sử dụng đất này cho đến nay. Năm 2001, ông được cấp GCN QSDĐ sau khi đã thực hiện đầy đủ những trình tự thủ tục theo quy định. Khu đất của ông Ve đã bị UBND TX.Dĩ An ra QĐ thu hồi
Vụ việc này đã được TAND huyện Dĩ An (nay là TX.Dĩ An) thụ lý, giải quyết bằng bản án dân sự sơ thẩm số 42/2010 ngày 23-8-2010 tuyên buộc ông Ve phải trả lại cho bà D. và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan 1.476m2 đất…
Tranh chấp về QSDĐ không còn áp dụng thời hiệu khởi kiện
Điểm a, khoản 3, điều 159, Bộ luật TTDS 2011 quy định: Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. (Luật sư Trần Như Lực)
Không đồng tình, ông Ve kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Trên cơ sở biên bản hòa giải giữa các đương sự và lời khai trực tiếp tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm nhận định: “...Theo lời khai của bên nguyên đơn thì quyền lợi của bên nguyên đơn bị xâm phạm từ năm 2001. Thế nhưng, đến ngày 2-5-2007, bà D. mới làm đơn gửi UBND xã Tân Bình (nay là P.Tân Bình) yêu cầu điều chỉnh lại sổ đất của ông Ve và ông Đ. (cha bà D.). Do đó, đối chiếu với khoản 1,3 điều 159 Bộ luật TTDS 2004 thì thời hiệu khởi kiện của bà D. đã hết”.
Từ những nhận định đó, HĐXX phúc thẩm đã tuyên xử tại bản án số 309/2010 ngày 9-12- 2010 với nội dung: Chấp nhận kháng cáo của ông Ve; hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Dĩ An; đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của bà D. và các thừa kế khác của cha bà D. đối với ông Nguyễn Văn Ve về việc tranh chấp quyền sử dụng đất đối với thửa đất đã tranh chấp.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên ông Ve là người thắng kiện, bà D. không đủ cơ sở để đòi lại đất vì đã hết quyền khởi kiện. Tuy nhiên, mới đây ông Ve lại nhận được Quyết định (QĐ) thu hồi GCN QSDĐ của UBND TX.Dĩ An mà ông không biết nguyên nhân: vì sao lại bị thu hồi?
Chính quyền giải quyết
Trao đổi với P.V, ông Ve cho biết: Ngày 7-1-2013, cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TX.Dĩ An xuống lập biên bản và giao cho ông QĐ thu hồi đất số 8526 ngày 28-12-2012. Điều làm ông vô cùng ngạc nhiên là nội dung trong QĐ chỉ nói về lý do thu hồi đất là: “Cấp sai diện tích thực tế ông Ve sử dụng, thu hồi phần diện tích đang tranh chấp ra khỏi GCN QSDĐ đất đã cấp cho ông Ve”. Theo ông, trong việc thu hồi đất đã không làm rõ: vì sao GCN QSDĐ của tôi bị cấp sai? Cấp sai bao nhiêu? Thửa đất nào?… Bên cạnh đó, trong QĐ thu hồi đất cũng không cho tôi “cái quyền” được khiếu nại QĐ thu hồi đất này, trong khi tôi hoàn toàn có quyền? Ông Ve đưa ra hàng loạt câu hỏi. Điều làm cho ông Ve bức xúc nữa là: vì sao vụ việc của ông đã được tòa án giải quyết bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật mà nay chính quyền lại tiếp tục thụ lý?
Theo tìm hiểu của P.V, được biết: căn cứ để UBND TX. Dĩ An ra QĐ thu hồi đất này là từ báo cáo 316 ngày 7-9-2012 của Phòng TN-MT TX.Dĩ An và báo cáo 255 ngày 22-10-2012 của Thanh tra Dĩ An. Việc làm này dựa trên cơ sở đơn khiếu nại của bà D. và qua xác minh thực tế, Phòng TN-MT Dĩ An và Thanh tra Dĩ An đã có văn bản kiến nghị UBND TX.Dĩ An thu hồi GCN QSDĐ của ông Ve theo khoản 2, điều 25, Nghị định 88/2009 ngày 19-10-2009 của Chính phủ.
Hai quan hệ pháp luật khác nhau
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Như Lực, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003. Theo đó, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì thẩm quyền giải quyết được xác định theo hướng: Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có GCN QSDĐ… thì thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND. Trong trường hợp trên thì bà D. cũng đã khởi kiện ông Ve ra tòa và vụ việc cũng đã được tòa án giải quyết xong. Theo nội dung bản án phúc thẩm thì ông Ve là người thắng kiện bởi bà D. đã hết quyền khởi kiện.
Vậy, UBND TX.Dĩ An tiếp tục thụ lý giải quyết vụ việc này liệu có đúng quy định? Luật sư Lực cho biết: Đây là một quan hệ pháp luật khác, việc bà D. không còn quyền khởi kiện ra tòa án là không có gì bàn cãi nhưng bà D. vẫn còn quyền khiếu nại UBND TX. Dĩ An đã cấp nhầm phần diện tích đất của cha bà trong GCN QSDĐ của ông Ve. Do đó, việc UBND TX.Dĩ An ra QĐ thu hồi đất; theo luật sư Lực là phù hợp nếu có cơ sở để chứng minh rằng việc cấp GCN QSDĐ cho ông Ve là trái pháp luật theo quy định tại khoản 2, điều 25, Nghị định 88/2009 ngày 19-10-2009 của Chính phủ.
Theo luật sư Lực thì, ông Ve có quyền khiếu nại QĐ thu hồi GCN QSDĐ của UBND TX.Dĩ An hoặc khởi kiện QĐ hành chính này lên TAND.
NHÂN QUANG