Khiếu kiện hành chính: Luật chồng lấn, dân không đủ điều kiện để nhận thức!

Cập nhật: 10-05-2010 | 00:00:00

Được biết, các khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua là: Quyết định thu hồi đất; Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; Cấp hoặc thu hồi GCN QSDĐ; Quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trong đó, hiện nay ở Bình Dương đang nổi lên khiếu nại về thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất. Ở lĩnh vực này thường phát sinh khiếu nại đông người, phức tạp. Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh thì năm 2009 có 42 vụ, dưới 50 người tham gia khiếu nại có 35 vụ, từ 50 người trở lên tham gia khiếu nại có 3 vụ.

Khiếu nại các quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai

Thực tế cho thấy, nhiều quy định pháp luật mâu thuẫn và bất hợp lý đang gây trở ngại cho người dân khi họ muốn khiếu nại hoặc khởi kiện các quyết định hành chính (HC) trong lĩnh vực đất đai. Theo Luật Đất đai năm 2003 quy định: Tòa HC không giải quyết các tranh chấp đất đai do UBND giải quyết. Tranh chấp đất đai do UBND giải quyết là tranh chấp mà một bên hoặc hai bên không có một loại giấy tờ gì. Việc khiếu kiện tiếp theo sẽ bằng con đường HC cấp trên (khoản 2, điều 136 Luật Đất đai); trong khi đó, khoản 5, điều 11 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết vụ án HC (PLTTGQVAHC) sửa đổi, bổ sung và Nghị quyết 03/2003/HĐTP tiếp tục giao cho Tòa HC giải quyết các quyết định HC, hành vi HC thuộc lĩnh vực tranh chấp đất đai nói trên. Theo điều 39 Luật Khiếu nại, tố cáo: Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 30 ngày thì công dân có quyền khiếu nại lên cơ quan HC cấp trên hoặc khởi kiện vụ án ra Tòa HC. TAND Tối cao hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 chỉ đạo từ nay nếu chưa có giải quyết khiếu nại lần đầu thì Tòa HC không thụ lý giải quyết vụ án HC (khoản 2, điều 138 Luật Đất đai). Quy định như vậy là hạn chế bớt vụ việc sang Tòa án, nhưng Luật Khiếu nại, tố cáo quy định nếu cơ quan nào có thẩm quyền không trả lời thì có quyền khởi kiện ra Tòa án nhằm mục đích tháo gỡ bớt vụ việc HC. Hai vấn đề mâu thuẫn nhau, cần phải tháo gỡ để quyền lợi chính đáng của công dân được bảo đảm. Trong khi đó, NĐ 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định 4 loại việc phải có kết quả giải quyết lần đầu thì Tòa án mới thụ lý giải quyết. Luật chồng lấn, rối rắm, khó áp dụng, dân không đủ điều kiện để nhận thức!

Thời hiệu khiếu nại, khởi kiện có còn nữa không?

Đó là vấn đề quan tâm đầu tiên trong các vụ khiếu kiện HC trong lĩnh vực đất đai. Nói là vấn đề quan tâm hàng đầu, vì quá thời hạn luật định thì người dân sẽ bị mất quyền khiếu nại hay khởi kiện cho dù nội dung khiếu kiện có bức xúc đến mấy và thậm chí thấy rõ là quyết định HC đó sai. Hệ trọng với người dân như thế nhưng các quy định của pháp luật về vấn đề này lại mâu thuẫn với nhau. Điều 31, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 cho phép thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định HC hoặc biết được hành vi HC. Trong khi đó, khoản 1, điều 64, Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2008 của Chính phủ lại quy định đối với quyết định HC trong quản lý đất đai của UBND cấp tỉnh thì thời hiệu khiếu nại là 30 ngày, kể từ ngày cơ quan này có quyết định đó. Nghị định này của Chính phủ chẳng những làm cho thời hiệu khiếu nại bị rút xuống còn một phần ba mà còn gây vô vàn khó khăn cho người khiếu nại khi quy định thời hiệu khiếu nại được tính kể từ ngày UBND tỉnh ban hành quyết định HC, thay vì kể từ ngày đương sự nhận được quyết định HC hoặc biết được hành vi HC theo như Luật Khiếu nại, tố cáo.

Ngoài cơ chế khiếu nại, điều 39, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 (được sửa đổi, bổ sung tại điều 12, Luật Khiếu nại tố cáo năm 2005 còn cho phép người dân được khởi kiện vụ án HC ra tòa trong 2 trường hợp: a) Hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà không được giải quyết; b) Hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu). Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã bị tòa trả lại đơn khởi kiện do không có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại không đúng hình thức. Giải thích về việc trả lại đơn kiện, Tòa án thường căn cứ vào điều 37, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998; điều 10, Luật Khiếu nại tố cáo năm 2005; điểm 2, khoản 1, điều 1, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án HC sửa đổi năm 2006. Cụ thể, các điều luật nói trên yêu cầu: “Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản”. Còn điểm 2, khoản 1, điều 1, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án HC sửa đổi năm 2006 thì quy định: Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để tòa án giải quyết vụ án HC đối với “quyết định HC, hành vi HC về quản lý đất đai do Chủ tịch UBND... giải quyết khiếu nại lần đầu, nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó”.

Thủ thuật kéo dài thời gian

Như vậy, theo yêu cầu của tòa, để thụ lý đơn kiện phải thỏa mãn điều kiện: Vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu và việc giải quyết khiếu nại đó phải được thể hiện bằng văn bản, dưới hình thức một quyết định giải quyết khiếu nại. Với cách hiểu này, nếu không đáp ứng được điều kiện trên thì tòa từ chối thụ lý đơn kiện cho dù rõ ràng là có sự mâu thuẫn với điều 39, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998; điều 12, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 khi luật cho phép người dân được quyền khởi kiện vụ án HC ra tòa kể cả trong trường hợp không cần phải có quyết định giải quyết khiếu nại (hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà không được giải quyết). Nắm được cách xử lý trả lại đơn kiện của tòa, có nơi chính quyền địa phương đã lờ đi, không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại khi có khiếu nại hoặc có địa phương đối phó bằng cách giải quyết khiếu nại dưới hình thức thông báo, công văn... thay vì theo yêu cầu của tòa phải dưới hình thức quyết định. Người dân trong những trường hợp như vậy xem như bế tắc vì không còn cửa nào để có thể giúp họ giải quyết vụ việc một cách hợp pháp hơn. Thế nhưng, những khó khăn về thủ tục cũng chỉ là giai đoạn đầu so với cả đoạn trường giải quyết vụ án mà người đi kiện luôn ở vị trí bất lợi trước một bị đơn là cơ quan Nhà nước. Vì vậy, đáng lo ngại nhất vẫn là quá trình giải quyết vụ án có bảo đảm được tính khách quan hay không. Có nơi, khi biết mình thất lý, chính quyền đã đối phó bằng cách vào giờ cuối, đến lúc chuẩn bị xét xử là lại hủy quyết định đang bị kiện và ban hành quyết định mới với nội dung gần như không thay đổi. Đương sự cuối cùng mệt mỏi quá đành phải ngậm ngùi rút lui.

Mặt khác, qua thực tế giải quyết khiếu nại cho thấy, UBND các cấp chưa giải thích thỏa đáng, chính xác quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại. Điển hình trong các quyết định giải quyết khiếu nại về quản lý đất đai lần 2 (quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng) UBND vẫn giải thích quyền khởi kiện vụ án HC tại tòa cho người khiếu nại theo điểm I, điều 45 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo. Điều này mâu thuẫn với quy định tại điều 138 Luật Đất đai năm 2003. Những trường hợp như trên tòa đã nhiều lần nhận đơn trả lời và giải thích với đương sự rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền của tòa án, nhưng họ cho rằng UBND đã hướng dẫn và ghi rõ trong quyết định giải quyết khiếu nại nên tòa án phải thụ lý. Dẫn đến việc khiếu nại cứ kéo dài, người khiếu nại bức xúc...

Vừa qua, ngày 21-4-2010, Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở ban ngành liên quan về việc phối hợp khảo sát thực tiễn khiếu nại HC liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã tổng hợp các ý kiến của các đại biểu dự hội nghị. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ soạn dự thảo trình UBTV Quốc hội ban hành nghị quyết trong thời gian chưa sửa đổi luật cho phù hợp. Nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp khi người dân có nhu cầu khiếu nại quyết định HC ở tòa án.

HÙNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên