Khiếu nại của bà Nguyễn Thị Hạnh, thị trấn An Thạnh (Thuận An): Nỗi đau còn lại!

Cập nhật: 15-06-2010 | 00:00:00

 

Sau tai nạn, mắt trái của bé Dung đã

mất chức năng thị giác

Chỉ trong một buổi học thêm, tai nạn bất ngờ ập đến với bé Dung và từ đó mắt trái của cô bé hoàn toàn mất chức năng thị lực. Hơn một năm sau chưa nguôi nỗi đau mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, chị Nguyễn Thị Hạnh gửi đơn đến Báo Bình Dương phản ánh hành vi thiếu trách nhiệm của cô Huê đã gián tiếp gây ra thương tật cho con gái mình...

Năm 2008, do bận rộn nên vợ chồng chị Hạnh gửi con gái thứ 2 là bé Đặng Thị Phương Dung, SN 2004 đến nhà cô Phạm Kim Huê, SN 1951 trong xóm để trông coi với “học phí” 400.000 đồng/tháng. Cô Huê là giáo viên trường tiểu học Hưng Định về hưu, có tiếng cẩn thận lại có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ nên được nhiều bậc phụ huynh tin tưởng giao con. Bé Dung theo cô Huê từ năm 4 tuổi, lên 5 tuổi được cô dạy chữ để chuẩn bị bước vào lớp 1. Khoảng 9 giờ sáng ngày 16-9-2009, cô Huê đứng lớp dạy bé Dung và khoảng 40 học sinh khác như thường lệ thì bất ngờ xảy ra tai nạn với bé Dung. Nguyên là trong giờ học, 2 bé Gia Nghi và Quang Trường giằng co nhau chiếc bảng đen học sinh. Do bé Gia Nghi giật mạnh, bảng va vào mặt bé Dung, cạnh tấm bảng quá mỏng xước trúng mắt trái nên bé Dung quằn quại đau đớn. Cô Huê vội vã đưa bé Dung đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Thuận An, sau đó bé được chuyển đến BV Đa khoa tỉnh. Thời điểm này, cô Huê liên tục gọi điện cho cha mẹ bé Dung nhưng không liên lạc được. Do vết thương quá nặng, trong buổi sáng hôm đó BV Đa khoa tỉnh lại chuyển bé về BV mắt Điện Biên Phủ (TP.HCM). Lúc này cô Huê đã liên lạc với mẹ bé Gia Nghi để cùng đưa bé Dung xuống Sài Gòn cấp cứu; riêng gia đình bé Dung vào khoảng 13 giờ cùng ngày mới nhận được tin và sau đó đã có mặt tại BV mắt. Cô Huê cho biết: khoảng 4 ngày đầu, mẹ bé Gia Nghi cũng có mặt tại BV để phụ gia đình chị Hạnh chăm sóc bé Dung, sau đó không thấy đến nữa; riêng cô Huê cứ đi đi về về từ nhà đến BV như vậy suốt khoảng 10 ngày. Do tổn thương mắt quá nặng, BV phải phẫu thuật để bảo vệ nhãn cầu. Cuối cùng, các bác sĩ cho biết thông tin đau lòng là mắt trái của bé Dung không còn chức năng thị lực. Đến ngày 26-9-2009, bé Dung được xuất viện về nhà để tiếp tục theo dõi, tái khám theo định kỳ. Thời gian này, gia đình chị Hạnh rất hoang mang, thường xuyên nhờ người thân lên mạng tìm thông tin xem BV nào có thể chữa khỏi mắt cho con. Biết được BV mắt quốc tế Việt - Nga (Hà Nội), gia đình chị fax hồ sơ bệnh án của bé Dung ra Hà Nội với hy vọng con mắt của bé có thể được cứu chữa. Ngày 26-10-2009, BV Việt - Nga gửi phản hồi: “Khi phẫu thuật, các bác sĩ trong đó cũng chỉ khâu bảo tồn nhãn cầu thôi vì mắt rách rất rộng, không còn thủy tinh thể, các tổ chức bên trong cũng bị thoát ra nhiều. Khi cháu ra viện, mắt trái đã mềm, ánh đồng tử tối. Căn cứ hồ sơ tóm lược phẫu thuật và ra viện, chúng tôi thấy mắt cháu không còn chức năng thị giác thì khả năng điều trị cho cháu tốt hơn nữa là không thể được”! Hy vọng mỏng manh bị dập tắt, từ đó đến nay bé Dung phải tập làm quen với một con mắt bị tật, theo chị Hạnh thì: “Từ khi bị tai nạn, tâm lý bé không tốt. Bé hay sợ hãi và rất ít nói. Hiện nay bé Dung vẫn phải thường xuyên về BV mắt để tái khám và uống thuốc để bảo toàn nhãn cầu được ngày nào hay ngày đó. Chi phí rất tốn kém nhưng gia đình tôi không khá giả gì. Được biết, sau tai nạn mẹ bé Gia Nghi có đưa gia đình chị Hạnh 10 triệu đồng để chạy chữa thuốc men. Riêng cô Huê, sau những ngày túc trực cùng vợ chồng chị Hạnh bên giường bệnh, khi được tin gia đình đưa bé Dung ra Hà Nội chạy chữa, cô Huê đã đưa 20 triệu đồng để phụ giúp. Cô Huê chia sẻ: “Ngày nào cô còn sống, nếu giúp được bé Dung điều gì thì cô sẽ cố gắng. Lý do mà cô không thể đến thăm bé là do gia đình chị Hạnh có những lời lẽ xúc phạm mỗi khi gọi điện cho cô”.

Thiết nghĩ, chưa bàn tới vấn đề chất lượng giáo dục tại các cơ sở dạy thêm, giữ trẻ tự phát thì tai nạn đối với bé Dung là ngoài ý muốn, phụ huynh và những người liên đới cần nhìn nhận vấn đề thấu đáo để tập trung giúp bé Dung sớm ổn định tâm lý bình thường hơn là trách móc, quy trách nhiệm cho ai. Theo chị Hạnh thì năm 18 tuổi bé Dung sẽ phải trải qua một đợt phẫu thuật để hoàn thiện gương mặt, vì vậy đến lúc đó cô Huê phải chịu một phần kinh phí phẫu thuật. Về điều này thì cô Huê cho biết: “Năm nay tôi gần 60 tuổi, không biết có thể sống đến ngày đó hay không. Thời gian tới, tôi sẽ chủ động mời những người có liên quan và gia đình bé Dung để cùng bàn cách giải quyết vấn đề này...”.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên