Khó “hút” doanh nghiệp về nông thôn

Cập nhật: 07-07-2012 | 00:00:00

Bên cạnh cơ sở hạ tầng yếu kém, năng lực doanh nghiệp hạn chế, còn nhiều cái khó từ cơ chế chung của Nhà nước và từng địa phương.

Khó cả chủ quan lẫn khách quan

TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, hiện nay tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rất ít, các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 30%, còn lại 70% đầu tư vào ngành khác.

  Tốc độ cơ giới hóa trong nông nghiệp còn chậm

Theo khảo sát của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2010, cứ 57.000 người sống ở khu vực nông thôn, miền núi mới có một doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ này trên cả nước là 700 người/doanh nghiệp. Hơn nữa, trên 90% số doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, với số lao động bình quân 10 - 200 lao động/doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp này có quy mô huy động vốn đạt gần 30 tỷ USD, sử dụng gần 3 triệu lao động, tạo 49% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn, tương đương khoảng 1/4 tổng lao động cả nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt khoảng 2%/năm so với mức 20 - 25%/năm của bình quân chung cả nước.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn lại sử dụng những công nghệ, thiết bị lạc hậu. Tỷ lệ đổi mới trang thiết bị chỉ đạt 5 - 7%/năm so với mức chung của thế giới là 20%.

Nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp ngại về “làng” được nhìn nhận có cả khách quan lẫn chủ quan.

Về khách quan, do cơ sở hạ tầng ở nông thôn còn nghèo nàn lạc hậu,  nên khi doanh nghiệp về nông thôn, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao; môi trường kinh doanh còn có nhiều điểm chưa thuận lợi…

Về chủ quan, khả năng cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp còn yếu, khả năng quản lý nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường còn hạn chế; Nhiều địa phương quy hoạch chiến lược phát triển công nghiệp không rõ ràng, chỉ ưa chuộng công nghệ cao, siêu thị, nhà máy điện, xi măng, bất động sản... mà không mấy mặn mà với ngành công nghiệp nhẹ dùng nhiều lao động như: dệt may, ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông - lâm - thủy sản;

Đồng thời, lao động vùng nông thôn tuy dồi dào nhưng ý thức công nghiệp chưa cao, mất nhiều thời gian đào tạo, mức độ gắn kết thấp giữa lao động nông thôn với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sự khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng đang là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ông Phạm Ngọc Thao, Hiệp hội Sản xuất mía đường Việt Nam cho rằng, nguyên nhân là do phương án kinh doanh chưa khả thi, năng lực tài chính yếu, chưa đủ điều kiện thế chấp và tín chấp đối với khoản vốn xin vay.

Hơn nữa, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của doanh nghiệp nông nghiệp còn yếu do còn thiếu thông tin về thị trường, và các quy định của thương mại quốc tế. Chất lượng sản phẩm nông sản còn thấp so với tiêu chuẩn xuất khẩu, khối lượng sản phẩm sản xuất ra chưa nhiều, thậm chí còn manh mún. Tính đến nay, danh mục sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế của Việt Nam còn rất ít.

Về trình độ khoa học, công nghệ của doanh nghiệp nông nghiệp, ông Trần Trọng Báo, Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam đánh giá: phần lớn còn lạc hậu và tay nghề công nhân thấp. Do vậy chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thấp, khả năng cạnh tranh yếu. Việc thiếu hụt về công nghệ thông tin và khả năng ngoại ngữ cũng là nguyên nhân quan trọng thể hiện doanh nghiệp nông nghiệp chưa thật sự có đủ sức mạnh trước yêu cầu cấp bách của hội nhập.

Gỡ "nút thắt" về cơ chế

Theo TS Đặng Kim Sơn, đã nhiều giai đoạn, chúng ta từng xác định “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, nhưng cái “hàng đầu” ấy đang dở dang và ít ai say sưa.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để doanh nghiệp về với nông nghiệp, nông thôn? TS Đặng Kim Sơn cho rằng, mấu chốt của việc phát triển sản xuất, giảm nghèo ở khu vực nông thôn hiện nay là gắn kết được nông dân, nông sản với doanh nghiệp. Nông dân không thể trụ vững nếu không có doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp không thể đứng vững nếu không có chính sách trợ giúp từ Nhà nước.

Do đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tích cực đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, phải mở ra con đường nối nông dân với thị trường. Cụ thể cơ chế chính sách phải tạo ra được sự hấp dẫn thực sự để thu hút các doanh nghiệp, đi kèm đó là các chính sách hỗ trợ, ưu đãi với những điều kiện thuận lợi nhất.

Thực tế, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, do những ưu đãi này chưa đủ sức hấp dẫn, nên hiệu quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn "khiêm tốn".

Để cải thiện tình hình trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Theo dự án này, sẽ có nhiều đổi mới và ưu đãi cho doanh nghiệp có dự án nông nghiệp thuộc diện ưu đãi. Đơn cử, được miễn, giảm tiền sử dụng đất; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; đổi mới quy trình nghiên cứu và áp dụng khoa học trong nông lâm nghiệp…

Các chuyên gia kinh tế hy vọng, Nghị định này khi đưa vào thực thi sẽ sớm tạo ra lực hút đủ mạnh kéo doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, cùng với những chính sách chung của Nhà nước, theo các chuyên gia, từng địa phương cần có những cơ chế, chính sách cụ thể về đất đai, nguồn lực, vốn đầu tư... để tăng tính “hấp dẫn” các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn mình.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=196
Quay lên trên