Khó thực hiện tiêu chí thu nhập bình quân đầu người

Cập nhật: 12-06-2012 | 00:00:00

Theo đánh giá của nhiều địa phương, tiêu chí thu nhập bình quân đầu người là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Nếu địa phương nào giải quyết được tiêu chí này, sẽ xây dựng thành công xã NTM...

Khó cả tiêu chí lẫn thực tế

Theo quy định ban đầu của Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, tiêu chí thu nhập quy định mức thu nhập bình quân đầu người tại xã NTM phải bằng 1,5 lần thu nhập bình quân của người dân trong tỉnh. Trong khi đó, Bình Dương là tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, thương mại - dịch vụ phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt cao nên quy định này tỏ ra không mấy phù hợp. Mặc dù tiêu chí này hiện đã được điều chỉnh là thu nhập bình quân đầu người tại xã NTM phải bằng 1,5 lần thu nhập bình quân khu vực nông thôn của tỉnh, nhưng nhiều địa phương vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định.

 Người dân là chủ thể quyết định vấn đề thu nhập của chính mình

Mặc dù là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Đến cuối năm 2011, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 2.802 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2010. Nông nghiệp đang có bước phát triển theo hướng công nghệ cao, kinh tế trang trại. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 tại khu vực nông thôn của Bình Dương đạt 20,25 triệu đồng/năm. Như vậy, để có thể được công nhận là xã NTM, mức thu nhập bình quân của người dân tại xã NTM phải đạt trên 30 triệu đồng/năm. Bài toán đặt ra cho các địa phương xây dựng NTM là quá khó và nếu thiếu sự chủ động của người dân thì không thể thực hiện được.

Xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên là một trong 5 xã điểm được triển khai xây dựng thành công xã NTM vào năm 2013. Hiện thu nhập bình quân của người dân xã Bạch Đằng là trên 18 triệu đồng. Đa số hộ dân tại Bạch Đằng đều sản xuất nông nghiệp. Trong cơ cấu cây trồng của Bạch Đằng, bưởi vẫn là loại cây trồng chủ lực, một số ít diện tích được trồng lúa và các loại hoa màu khác. Qua hơn 10 năm xây dựng NTM, hiện hạ tầng kinh tế - xã hội của Bạch Đằng đã thay đổi đáng kể, nhưng nếu nhìn về góc độ thu nhập, khó khăn đặt ra với Bạch Đằng là không hề nhỏ. Bởi, sản xuất nông nghiệp ở Bạch Đằng chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ. Dự án trồng mới cây bưởi thay thế cho vườn bưởi già cỗi, sâu bệnh đã được triển khai có hiệu quả trên địa bàn xã nhưng tính liên kết trong các chủ vườn còn yếu. Bưởi Bạch Đằng tuy đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể, nhưng khả năng cung ứng cho thị trường còn yếu; chưa đủ sức cạnh tranh so với các loại bưởi khác vì vậy mà chưa mang lại nguồn thu nhập cao cho người trồng bưởi. Nếu đem so sánh với một số vùng trồng bưởi khác trong tỉnh thì khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của Bạch Đằng còn yếu, chính vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng của vùng đất này.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Khác với Bạch Đằng, xã Tân Hiệp (huyện Phú Giáo) có thế mạnh về phát triển cây cao su. Hiện nay, Tân Hiệp cũng đang khẩn trương triển khai chương trình xây dựng NTM. Trong những năm qua, nhờ có cây cao su mà cuộc sống của người dân tại đây đã thay đổi, mức sống được nâng cao. Người dân đã tập trung chuyển đổi các loại cây trồng khác qua trồng loại cây này. Có thể nói cây cao su chính là lợi thế cơ bản của Tân Hiệp trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, trên một địa bàn có quá nhiều người tập trung cùng trồng cây cao su cũng gây ra những khó khăn cho việc thực hiện tiêu chí thu nhập. Ông Vũ Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho rằng để có thể duy trì ổn định nguồn thu nhập cho người dân trong xã, trong thời gian tới UBND xã sẽ khuyến khích người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Một khi chi phí sản xuất giảm thì chắc chắn thu nhập của người dân sẽ được nâng lên. Cũng theo ông Lý, việc vận động người dân tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác để liên kết sản xuất và nâng cao công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng là những yếu tố căn bản để có thể duy trì thu nhập của cư dân tại các xã NTM.

Vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có hiệu quả theo hướng hàng hóa chất lượng cao cũng là một trong những yếu tố để có thể nâng cao thu nhập cho người nông dân. Để thành công với các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, rất cần sự chủ động của người dân, bởi đây là yếu tố rất quan trọng, quyết định sự thành bại của việc thực hiện tiêu chí thu nhập. Thu nhập của người dân quyết định sự thành bại của việc xây dựng xã NTM, nhưng thu nhập của người dân cũng do chính người dân quyết định, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, nên địa phương nào thực hiện được tiêu chí này đồng nghĩa với việc sẽ xây dựng thành công xã NTM.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên