Trước nhiều ý kiến phản ánh của bạn đọc về tình trạng cắt điện luân phiên bất hợp lý, ông Hồ Tuấn, Trưởng Ban quan hệ cộng đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam(EVN) đã trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
- Thưa ông, việc điện lực nhiều địa phương cắt điện sinh hoạt sâu từ 6h sáng tới 23-24h, liên tục 7 ngày trong tuần liệu có đúng với nguyên tắc cắt điện luân phiên?
Đối với các khách hàng không thuộc nhóm ưu tiên, các đơn vị điện lực điều hòa tiết giảm điện phải đảm bảo nguyên tắc mỗi khu vực không bị cắt điện nhiều lần trong ngày, không bị mất điện liên tục 24/24h trong nhiều ngày.
Tuy nhiên, trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6-2010, nhiều đợt nắng nóng gay gắt xuất hiện trên phạm vi cả nước khiến nhu cầu sử dụng điện tăng rất cao. Trong khi đó, nguồn cung ứng điện vẫn bị hạn chế. Hệ thống điện hiện mất cân đối sản lượng từ 7 - 9%.
Cắt điện khiến sinh viên phải ngồi học bài trong ánh đèn cao áp (ảnh minh họa)
Do lượng điện phân bổ hạn chế, nên thực tế tại một số thời điểm ở một số nơi đã phải thực hiện cắt điện luân phiên với thời gian dài hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả các địa phương đều bị cắt điện kéo dài với thời gian như độc giả phản ánh.
- Nhiều đơn vị cắt điện không thông báo cho dân, như tại các địa phương ở Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… như VietNamNet đã phản ánh, ông có ý kiến gì về điều này?
Lịch cắt điện sẽ phải được các đơn vị điện lực có trách nhiệm thông báo trước 5 ngày cho khách hàng. Trường hợp độc giả phản ánh là không được thông báo có thể là do các nguyên nhân như có sự cố đường dây hoặc trạm biến áp, là trường hợp bất khả kháng và không thể thông báo trước.
Bên cạnh đó, theo quy định, đơn vị điện lực chỉ thông báo trực tiếp cho các khách hàng lớn, còn các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, đơn vị điện lực thông báo qua chính quyền địa phương và phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều khách hàng không có điều kiện theo dõi nên có thể không biết.
Đối với các xã do các tổ chức, cá nhân ngoài EVN bán điện (hiện nay các tổ chức ngoài EVN bán điện tại 2.356 xã), đơn vị điện lực chỉ thông báo đến tổ chức bán điện (là khách hàng ký hợp đồng mua bán điện với đơn vị điện lực), không thông báo trực tiếp cho các hộ dân. Nếu người dân ở các xã này không được thông báo trước thì không thuộc trách nhiệm của EVN.
Qua kiểm tra việc cung ứng điện tại 20 tỉnh, thành phố tháng 4-5/2010, do Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực và EVN thực hiện, một số trường hợp khách hàng bị mất điện mà không thông báo trước được là do sự cố bất khả kháng đường dây và trạm biến áp.
Đối với một số ít trường hợp cắt điện, trả điện chưa đúng như thời gian trong thông báo, lịch cắt điện chưa hợp lý, thông báo không đủ 5 ngày theo qui định, Bộ Công Thương và EVN đã chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc khắc phục ngay.
- Tại cuộc họp báo vừa qua, EVN cho biết vẫn tiết giảm điện nhiều ở khu vực nông thôn, sinh hoạt. Ông có suy nghĩ gì trước cảnh điện mất kéo theo mất nước, người dân không xem được đài báo, ảnh hưởng sức khỏe và năng suất lao động?
Hiện nay, điện đã là nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống xã hội. Vì vậy, chúng tôi ý thức được những ảnh hưởng khi xảy ra thiếu điện và xin chia sẻ với các khách hàng, đặc biệt là các hộ sử dụng điện sinh hoạt và khách hàng sử dụng điện ở nông thôn vì những tác động bất lợi do tiết giảm điện trong thời gian qua, rất mong được quý khách hàng thông cảm.
Mặc dù theo tính toán ban đầu, sản lượng điện mất cân đối trong mùa khô khoảng 2 - 5% tổng sản lượng toàn hệ thống, nhưng trên thực tế, do những nguyên nhân đã nêu trên, trong tháng 5 và đầu tháng 6, sản lượng điện thiếu hụt đã là từ 7 - 9%.
Với tỷ trọng sản lượng điện phụ tải công nghiệp xây dựng hiện nay chiếm trên 50% tổng sản lượng điện toàn hệ thống, do đó để ưu tiên cung cấp điện cho nhóm này thì lượng điện tiết giảm đối với các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt và khách hàng ở khu vực nông thôn cao hơn. Đây là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tỷ lệ tiết giảm này ở mỗi địa phương có khác nhau.
- Vậy, ông có đánh giá thế nào trước nghịch lý cắt sâu ở khu vực sinh hoạt, nông thôn, nhưng lượng điện tiết giảm không nhiều mà phạm vi ảnh hưởng dân sinh lại lớn?
Việc ưu tiên cấp điện cho sản xuất nhằm nhanh chóng phục hồi đà tăng trưởng kinh tế thời điểm này là sự lựa chọn đúng đắn và cần thiết của Chính phủ, không phải là nghịch lý.
Tuy nhiên, để giảm thiểu thiệt hại của ngưòi dân trong thời điểm thiếu điện, EVN đã chỉ đạo các đơn vị điện lực khẩn trương làm việc với các khách hàng sản xuất trên địa bàn, đề nghị các đơn vị này tiết kiệm 5 - 10% sản lượng điện tiêu thụ.
Qua theo dõi, nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã hưởng ứng và thực sự chia sẻ với cộng đồng trong thời điểm khó khăn này bằng các biện pháp tiết kiệm điện hữu hiệu. Bên cạnh đó, EVN cũng mong nhận được sự chia sẻ từ chính mỗi khách hàng bằng việc sử dụng điện hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Hiện nay EVN đang nỗ lực hết sức thực hiện các giải pháp để tăng khả năng cung ứng điện như: huy động tối đa tất cả nguồn điện hiện có, tranh thủ rút ngắn thời gian sửa chữa, khắc phục sự cố nguồn, lưới điện, tích cực đôn đốc để đưa nhanh các tổ máy nhiệt điện than mới ở khu vực phía Bắc vào vận hành ổn định, truyền tải điện cao từ Nam ra Bắc qua đường dây 500 kV, mua điện Trung Quốc ở mức cao...
Chúng tôi hy vọng, sắp tới khi tình hình thủy văn và nước về các hồ thủy điện được cải thiện thực sự, tình hình cung cấp điện sẽ tốt dần lên.
(THEO VNN)