Hôm nay (3/7), khoảng 50 triệu cử tri Thái Lan chính thức đi bỏ phiếu bầu chọn Hạ viện nhiệm kỳ mới, trong bối cảnh dư luận cho rằng tổng tuyển cử lần này là cuộc đua song mã giữa đảng Dân chủ và Puea Thai (Vì nước Thái) với quân đội giữ vai trò rất lớn phía sau hậu trường.
Trong cuộc tổng tuyển cử lần này có trên 3.820 ứng cử viên tranh 500 ghế Hạ viện, trong đó có trên 2.400 ứng cử viên của 39 đảng ra tranh cử trực tiếp 375 ghế tại các khu vực bầu cử; 125 ghế còn lại được bầu chọn theo hệ thống danh sách đảng và được phân bổ theo tỷ lệ số phiếu ủng hộ mà mỗi chính đảng nhận được. Ủy ban bầu cử xứ Chùa Vàng huy động một lực lượng lên tới 1,2 triệu người làm nhiệm vụ tại khoảng 97.000 đơn vị bầu cử. Ngoài 105 tổ chức tư nhân đăng ký giám sát bầu cử, các quan sát viên của Liên minh châu Âu và 10 nước khác cũng được mời đến chứng kiến cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ở Thái Lan.
Bà Yingluck Shinawatra và đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.
Năm 2010, ở Thái Lan đã xảy ra những vụ bạo động chính trị lớn, vì thế cuộc bầu cử hôm nay được dư luận trong và ngoài khu vực theo dõi, để xem cuộc làm hòa chính trị có diễn ra hay quốc gia này lại lâm vào thế bất ổn thêm.
Hiện nay, các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy là cuộc đua sẽ tập trung giữa hai đảng chủ chốt: Đảng Dân chủ của đương kim Thủ tướng Abhisit và đảng Puea Thai thân cựu thủ tướng Thaksin. Nữ chính trị gia xinh đẹp Yingluck Shinawatra, em út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đang lãnh đạo đảng Puea Thai, được dự báo có triển vọng đánh bại đảng Dân chủ của đương kim Thủ Tướng Abhisit Veijjajiva.
Theo ông Ernest Bower, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, “đảng nào thắng không quan trọng bằng chuyện kết quả bầu cử ngày 3/7 này có được công nhận hay không”.
Cơ quan chức năng Thái Lan đã tính đến tình trạng rối loạn hậu bầu cử, khi các thành phần ủng hộ bên này hay bên kia bày tỏ thái độ bất bình vì “người nhà” bị thua. Hơn 180.000 cảnh sát đã được huy động để bảo vệ an ninh trên toàn quốc, 2 sứ quán nước ngoài đã cảnh báo công dân nước họ du lịch đến Thái Lan vì lo ngại an ninh.
Trong những năm gần đây, Thái Lan thường xuyên bị các cuộc biểu tình dữ dội của các phe khuấy động, từ phe Áo vàng bảo hoàng, đến phe Áo đỏ thân Thaksin. Nếu bất ổn xã hội bùng lên, khả năng quân đội rời doanh trại để can thiệp là hệ quả tất yếu.
Mỹ, Trung Quốc và khối ASEAN đang theo dõi sát kết quả bầu, vì lo ngại bất ổn ở nước này có thể tác động đến cả khu vực. Ông Bower nói: “Kết quả tốt nhất cho Mỹ và cả vùng Đông Nam Á là dân chúng Thái Lan công nhận cuộc bầu cử là công bằng và chấp nhận kết quả”
Theo ông Bower, Mỹ rất coi trọng một Thái Lan ổn định khi nhiều quốc gia Đông Nam Á trong khối ASEAN đang nổ ra tranh chấp quyết liệt với Trung Quốc về lãnh hải trong vùng Biển Đông.
Sau các cuộc bạo loạn năm ngoái, Toà án Thái Lan đã phát lệnh bắt ông Shinawatra vì người ta cho là ông đứng đằng sau các cuộc biến động đẫm máu. Hiện nay, ông Shinawatra đang sống lưu vong. Có hơn 90 người chết và hàng trăm bị thương khi cảnh sát triển khai chiến dịch trấn áp cuộc biểu tình do đảng Puea Thai phát động chống Thủ Tướng Abhisit. Sau đó, chính phủ Thái Lan cố gắng theo đuổi con đường đoàn kết quốc gia.
Trong cuộc bầu cử lần này, một vấn đề nữa được đặt ra là vai trò của quân đội Thái Lan trên chính trường Thái.
Theo phân tích của hãng tin AFP, đảng Dân chủ đương nhiệm lại được quân đội Thái Lan đầy uy quyền ủng hộ. Từ năm 1932 đến nay, thế lực này đã 18 lần tiên hành hoặc âm mưu tiến hành đảo chính, mà lần cuối cùng là vào năm 2006, để lật đổ thủ tướng dân cử Thaksin Shinawatra.
Mới đây, viên tướng đứng đầu quân đội Thái Lan đã lên tiếng bác bỏ các nguồn tin cho rằng quân đội Thái Lan có thể sẽ lại ra tay can thiệp vào chính trường. Thế nhưng, viên tướng này lại kêu gọi cử tri Thái bầu cho những người mà ông mệnh danh là “tốt”, khiến cho mọi người nghi ngờ về khả năng đứng ngoài chính trường của quân đội.
Tổng hợp