Khốc liệt cuộc đua tăng vốn điều lệ

Thứ sáu, ngày 01/04/2011

Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng được dự báo sẽ khốc liệt hơn nhiều so với năm trước, nhất là với các ngân hàng chưa đạt đủ mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng.

 

Tính đến đầu năm 2011, vẫn còn tới hơn chục ngân hàng sẽ phải chạy đua về đích trong cuộc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng trước ngày 31-12-2011.

 

Cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng này còn phải vượt qua nhiều “chướng ngại vật” trong bối cảnh những khó khăn của nền kinh tế cùng chính sách tiền tệ thắt chặt, thị trường chứng khoán khó khởi sắc trong ngắn hạn, tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng cũng khó đạt như kỳ vọng.

 

 Cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng này còn phải vượt qua nhiều “chướng ngại vật”.

Ông Phan Đào Vũ, Tổng Giám đốc BaoVietBank nhận định, ngành ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều sức ép lớn về hiệu quả kinh doanh. Để hấp dẫn nhà đầu tư khi tăng vốn, các ngân hàng phải đảm bảo mức cổ tức cũng phải tăng tương ứng. Nghĩa là muốn tăng thêm 50% vốn thì lợi nhuận cũng phải tăng thêm 50%.

 

Thế nhưng, điều này hầu như là không thể trong bối cảnh hiện nay khi NHNN siết chặt việc cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất và yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ được xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng dưới 20%. Trong khi đó, với các ngân hàng nhỏ, lợi nhuận chủ yếu lại từ hoạt động tín dụng, đặc biệt là cho vay các lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán...

 

Việc tăng vốn từ nguồn tiền của các nhà đầu tư chiến lược và cổ đông hiện hữu hay cổ đông mới đều không dễ dàng. Bởi lẽ, các nhà đầu tư chiến lược trong nước chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang bị quản lý gắt gao việc đầu tư ngoài ngành, nhất là đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

 

Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng đang cân nhắc trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều bất ổn, triển vọng của các ngân hàng nhỏ lại bấp bênh. Thị trường chứng khoán ảm đạm do khó khăn kinh tế và việc hạn chế tín dụng vào lĩnh vực này cũng khiến những nhà đầu tư hiện hữu nản lòng.

 

Chưa kể, nhiều ngân hàng lớn dù đã vượt mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng vẫn tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn để mở rộng kinh doanh cũng như đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR là 9% như quy định của Thông tư 13 và Thông tư 19. Điều này cũng khiến áp lực lên từng đồng vốn của các ngân hàng gia tăng, đặc biệt là với những ngân hàng có quy mô nhỏ.

 

Trong cuộc đua tăng vốn này, việc lường trước một khả năng sáp nhập trong tương lai không xa là điều được không ít chuyên gia nhắc tới.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT ABBank cho rằng, để có cuộc “hôn phối” trong lĩnh vực ngân hàng đạt hiệu quả cao, cổ đông của các ngân hàng sẽ phải chấp nhận việc giảm thiểu quyền tự chủ đối với ngân hàng của mình. Đồng thời, cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng về nhau trên các phương diện như: mục tiêu, chiến lược kinh doanh, khách hàng, địa bàn hoạt động…

 

Theo Dân Trí